Trò chuyện ở làng nghề
(VHQN) - Những làng nghề truyền thống tên tuổi ở Quảng Nam đang tìm cách bứt phá khỏi cái bóng của mình. Lối ra không gì khác ngoài câu chuyện trao truyền thế hệ và công nghệ thời số hóa.
Tìm đủ cách làm mới
Ông Dương Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH làng đúc Phước Kiều (Điện Bàn) thổ lộ, 2 năm qua hàng hóa làm ra ế ẩm. Hàng lưu niệm, đồ khí tự, tế tự (là chủ yếu) khó bán, một mặt do khách du lịch không có, thêm vào đó là thị trường cạnh tranh. Ông Thắng nói: “Thị trường khốc liệt, đồ thờ cúng bây giờ là hàng chợ, mình cạnh tranh không nổi từ mẫu mã đến giá thành. Họ thay đổi liên tục, mình thì yếu, ít vốn, khả năng tiếp cận thị trường và trình độ kỹ thuật không cao, làm ăn nhỏ lẻ”.
- Thoát ra bằng cách nào? - tôi hỏi.
- Trí tuệ và khoa học kỹ thuật, phải đổi mới và làm ra những sản phẩm khác biệt, nắm được xu hướng tiêu dùng, tạo sản phẩm đặc trưng, giá thành tốt. Công ty tôi lâu nay sống nhờ các dự án du lịch lớn. Họ đặt hàng và mình sản xuất - ông Thắng thủng thẳng đáp.
- Anh tiếp cận họ bằng cách nào?
- Nói thiệt, làm ăn lâu năm nên có… đường dây cả, chứ không dễ dàng đâu, vì toàn dự án lớn.
- Mẫu ở đâu?
- Họ đưa và mình đúc.
- Áp lực sẽ nặng nề nếu mẫu khác lạ, đòi hỏi kỹ thuật, thẩm mỹ cao?
- Đúng, nhưng tôi có đội ngũ thợ trẻ, đủ khả năng đọc được bản vẽ và thực hiện. Con trai tôi vừa tốt nghiệp đại học xây dựng, bắt đầu tiếp cận và quản lý công ty. Lớp trẻ quá nhiều thế mạnh để giữ nghề và phát triển. Ở đây có 10 cơ sở có con cháu nối nghiệp. Không thay đổi, là chết.
Anh Dương Phạm Ngọc Toàn (con trai ông Thắng) nói: “Tôi suy nghĩ khác người lớn cách làm. Phải sử dụng công nghệ để rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất. Cái nào buộc phải thủ công, thì làm, còn lại là máy móc thay mình”.
- Du lịch sẽ hồi sinh, sao không nhắm vào đối tượng khách tham quan để biến chuyển làm ăn, ví dụ như các mặt hàng mini?
- Tôi đã nghĩ tới, sẽ nhắm vào hai đối tượng là già và trẻ. Người trẻ có hàng là các con vật vui nhộn; lớp già sẽ là tượng danh nhân, các vị có tên tuổi trong lịch sử.
Cũ nhưng không lỗi thời
Thiếu thợ trẻ tâm huyết với nghề là điều có thật. Muốn làng nghề sống được, phải tâm huyết. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp nói, vay vốn khó, chính sách nhà nước bất cập dù có nhiều hỗ trợ, cạnh tranh không lành mạnh, thị trường tràn lan đồ rẻ, đẹp… “Dịch 2 năm qua, tôi giữ được cơ sở, trả lương được cho mấy chục người, nếu không đủ sức lực và uy tín thì chắc đóng cửa” - ông Tiếp kể.
Khó khăn bủa vây, nhưng cơ sở của ông Tiếp không đầu hàng, bởi sau lưng ông là 3 người con tốt nghiệp mỹ thuật và kinh tế, về nhà đồng tâm hiệp lực với cha để giữ nghề. Câu chuyện cạnh tranh bây giờ, thảy bắt đầu từ đổi mới mẫu mã đi ra từ công nghệ. Nhận định về điều này, ông Tiếp nói “đúng nhưng chưa đủ”. “Mình không thắng nổi công nghệ với các nơi khác, vì vốn họ quá lớn, máy móc thay đổi liên tục, nên mình giữ sự khác biệt. Làng nghề truyền thống thì phải riêng, lạ, mình làm độc đáo họ sẽ tìm tới. Đừng lệ thuộc vào máy. Đây không phải là cổ hủ vì nó đòi hỏi sự tinh xảo, khác biệt. Cơ sở tôi, hàng thờ cúng từ tủ đến bài vị, người ta ưa chuộng vì gỗ tốt, mẫu cổ nhưng đẹp, có những mặt hàng chỉ tôi mới có. Máy móc không làm ra khác biệt, mà ăn thua là con người”.
Xác quyết của ông Tiếp, được dẫn giải kỹ hơn từ con trai của ông - anh Nguyễn Văn Ân. Anh nói: “Công nghệ số lấn át làng nghề, ví dụ 1 cái tủ, máy làm 3 ngày là xong, ra hàng loạt, giá thành bằng 1/10 hàng thủ công, thì mình không thua mới lạ!”.
- Vậy sống được do đâu?
- Đây, một mặt hàng, nhưng nếu máy làm thì y như nhau, nhưng nếu 8 thợ, thì kinh nghiệm và hồn họ phả vào đó, chắc chắn sẽ sinh động và khác nhau. Máy làm gọn, sắc, nhưng vô hồn, nó không thể tinh xảo và thể hiện cảm xúc như người yêu nghề. Mình vẽ sản phẩm, đục, chạm, theo ý mình, làm mới nhưng không bỏ cái cũ.
- Nhưng máy móc vẫn giúp mình khá nhiều, không thể bỏ qua?
- Gia đình tôi thống nhất là chỉ đầu tư máy cầm tay, còn máy lớn thay thế mình, không mua. Lý do? Nếu máy thay người thì thợ sống bằng chi, và như thế thì sẽ mất nghề truyền thống.
Tưởng là nghịch dị, nhưng đó là thật. Mới thấy, người bám nghề truyền thống sống được đâu có dễ và nếu trẻ như anh Ân mà không có tình yêu với nghề, thì tàn phai làng nghề là chuyện dễ xảy ra. Ao ước của họ là “phải kẹp du lịch vào đây và hãy cưu mang đúng nghĩa”, hình thành chuỗi trưng bày, sản xuất đa dạng từ gỗ, đồng đến gốm. Có vậy mới khiến du khách... mở ví.