Dự toán thu ngân sách năm 2023: Dự báo nhiều nguồn thu sụt giảm
HĐND tỉnh đã phê chuẩn tổng thu ngân sách nhà nước của Quảng Nam năm 2023 chỉ bằng 83% ước thực hiện năm 2022 (thu nội địa bằng 83,8%, thu xuất nhập khẩu bằng 83,7%). Con số ấn định này được cho là hợp lý khi dự báo nguồn thu năm 2023 sẽ không còn đột biến.
Tăng thu nhờ đột biến
Thu ngân sách nhà nước Quảng Nam năm 2022 đã tăng kỷ lục, đạt 32.144/23.700 tỷ đồng kế hoạch (đạt 143% dự toán trung ương và đạt 135,6% dự toán HĐND tỉnh giao). Thu nội địa đã gia nhập câu lạc bộ 25 nghìn tỷ đồng khi thu đến 25.210/19.000 tỷ đồng kế hoạch (đạt 142% dự toán trung ương và 132,7% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 28,8% so số thu năm trước).
Thu xuất nhập khẩu cũng không kém với 6.934/4.700 tỷ đồng kế hoạch (đạt 147,5 dự toán, tăng 106%). Con số này thể hiện nền kinh tế địa phương đã nhanh chóng phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau 2 năm lao đao vì đại dịch.
Theo thống kê, 11/16 khoản thu nội địa đều đạt, vượt dự toán (trừ các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương, FDI, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất và xổ số kiến thiết không đạt dự toán).
Tập đoàn Ô tô Trường Hải vẫn “quán quân” về đóng góp ngân sách, từ nội địa đến xuất nhập khẩu. Số thu nội địa từ tập đoàn này đạt 15.750 tỷ đồng (đạt 158,8% dự toán, tăng 63,2%), chiếm 83,2% số thu khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh và chiếm 66% tổng thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết).
Số thu từ thuế nhập khẩu linh kiện, bộ linh kiện, nguyên liệu máy móc, thiết bị... của Trường Hải đã chiếm đến 90% số thu xuất nhập khẩu toàn nền kinh tế địa phương.
Thu ngân sách vượt nhiều so dự toán, nhưng vẫn còn một số nguồn thu không thể đạt dự toán (thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương 70%, FDI 73%, thuế bảo vệ môi trường 58,8%, tiền thuê đất 58,1% và xổ số kiến thiết đạt 89%).
Doanh nghiệp nhà nước địa phương không có thêm doanh nghiệp nào sản xuất, kinh doanh chịu thuế và một số doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang tư nhân, doanh nghiệp du lịch chưa kịp hồi phục sau đại dịch.
Số nộp của nhà máy bia Heineken (FDI) có xu hướng giảm dần vì phụ thuộc vào sự điều phối của tập đoàn và sức cạnh tranh suy giảm. Thuế bảo vệ môi trường bị tác động chính sách hỗ trợ dẫn đến số nộp không như dự toán.
Các khoản thu tiền thuế đất một lần từ các dự án đầu tư không phát sinh hoặc chuyển dần từ thu tiền một lần qua thu hàng năm. Thu từ hộ kinh doanh giảm do miễn giảm thuế...
“Thu ngân sách tăng đột biến từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dẫn đến sức mua tăng, mức tiêu thụ xe tăng, tăng thuế nộp và nỗ lực trong việc chống thất thu trong giá chuyển nhượng bất động sản, đầu tư... nên số thu nội địa vượt cao so dự toán” - ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế nói.
“Dè dặt” đặt chỉ tiêu
HĐND tỉnh đã ấn định tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 26.680 tỷ đồng. Con số này tăng 12,6% so dự toán năm 2022, nhưng chỉ bằng 83% so với thực thu năm 2022 và chỉ tăng 3,9% so dự toán năm 2023 Trung ương giao.
Cụ thể, thu nội địa 20.880 tỷ đồng (tăng 9,9% dự toán 2022, chỉ bằng 83,8% thực thu 2022, tăng 5% dự toán Trung ương giao) và thu xuất nhập khẩu 5.800 tỷ đồng (tăng 23,5% dự toán 2022, chỉ bằng 83,7% thực thu 2022).
Nhìn vào chỉ tiêu thu ngân sách này không ít người sẽ ngạc nhiên, có thể cho đây là một “bước lùi” của thu ngân sách 2023. Tuy nhiên, cơ quan tài chính lẫn hành thu đều cho biết phê chuẩn mức thu ngân sách như vậy là hợp lý.
Sự bất ổn chính trị, kinh tế thế giới, thị trường xăng dầu, nhiên liệu, tỷ suất hối đoái, lãi suất tăng... biến động phức tạp, tác động mạnh đến bất động sản, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có nguồn cung cầu xuất nhập khẩu. Các chính sách kích cầu hết hiệu lực, không còn phát sinh đột biến như năm 2022.
Kinh tế dù phục hồi nhưng chưa đạt tốc độ tăng trưởng như các năm trước dịch bệnh nên việc thực hiện dự toán năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn.
Từ các phân tích, rà soát, đánh giá từng nguồn thu, sắc thuế như khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương hạn chế vốn, sản xuất cầm chừng hoặc cổ phần hóa; thủy điện phụ thuộc thời tiết, điều tiết điện hòa lưới; sản lượng bia sẽ không tăng nhiều..., Cục Thuế dự kiến mức tăng trưởng nền kinh tế bình thường, không đột biến, chỉ có thể thu khoảng 20.880 tỷ đồng ngân sách nội địa.
Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, không thể dựa vào số thực thu của năm 2022 để đưa ra dự toán cho năm 2023 khi có quá nhiều yếu tố bất lợi tác động đến nền kinh tế, ảnh hướng đến nguồn thu.
Năng lực sản xuất mới chưa thể phát sinh nguồn thu (do các năm dịch, các dự án đầu tư đều xin hoãn, giãn, điều chỉnh). Thị trường tiêu thu ô tô bão hòa. Chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ không còn.
“Ngân sách địa phương phụ thuộc nhiều vào Trường Hải. Theo thống kê, nguồn thu từ ô tô đã giảm dần từ cuối năm của thời kỳ ổn định 2017 – 2021. Tác động của chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ giúp tăng sản lượng ô tô tiêu thụ, dẫn đến số thuế, lệ phí nộp ngân sách tăng đột biến năm 2022 sẽ không còn xuất hiện năm 2023 (vì chính sách giảm này chỉ phát sinh trong 1 năm).
Sự cạnh tranh mạnh với xe nhập khẩu, giữa các hãng xe với nhau sẽ dẫn đến sản lượng xe tiêu thụ và số nộp ngân sách của Trường Hải sẽ giảm dần. Thu ngân sách sẽ không còn đột biến” - ông Đặng Phong nói.