Điển hình bảo đảm an toàn giao thông: Cần được nhân rộng
Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của Mặt trận và hội đoàn thể, các mô hình, nhân tố tích cực tham gia bảo đảm an toàn giao thông hình thành, cần được lan tỏa, nhân rộng.
Điểm sáng
Trên nẻo đường quê ở miền xuôi cho tới bản làng vùng núi, người dân có thể yên tâm di chuyển nhờ hệ thống đèn đường. Đây là thành quả mà tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp đứng ra vận động, xây dựng nên công trình “Thắp sáng đường quê”, “Thắp sáng vùng biên” với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Ở khu dân cư nông thôn mới, Mặt trận và hội đoàn thể làm đầu mối kêu gọi hội viên gom góp tiền của, công sức để lắp đặt và trả tiền điện chiếu sáng mà mình đang sử dụng. Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự cũng đã vận hành. Qua đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), an ninh trật tự ở vùng quê.
Giai đoạn 2018 - 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã phối hợp thực hiện chương trình “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Từ đây, công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình điểm về ATGT được triển khai và duy trì thường xuyên.
Theo ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, năm 2022 đơn vị đã thực hiện xây dựng mới mô hình “Xã điểm về ATGT” tại xã Duy Phước (Duy Xuyên) và xã Trà Đông (Bắc Trà My).
Nhiều hoạt động trọng tâm diễn ra tại 2 xã này, như tuyên truyền đến nhân dân chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT, vận động chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.
Người dân ký và thực hiện cam kết xây dựng gia đình bảo đảm trật tự ATGT. Ngoài ra, Mặt trận tổ chức cho nhân dân ở 1.240 khu dân cư trên địa bàn tỉnh đăng ký cam kết tuân thủ ATGT, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Duy trì “Cổng trường ATGT”, Tỉnh đoàn còn tổ chức chương trình tập huấn kiến thức ATGT và kỹ năng ứng cứu tai nạn giao thông trong học đường.
Ở các địa phương có quốc lộ 1 đi qua như Thăng Bình, Núi Thành, các đội hình thanh niên tình nguyện xử lý tình huống bất thường của giao thông tiếp tục duy trì, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ nhiều nạn nhân gặp sự cố trên đường. Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về ATGT cho hội viên.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức tọa đàm “Phụ nữ với ATGT”; Hội Nông dân tỉnh vận động hội viên duy tu sửa chữa hàng trăm ki lô mét đường, nhân rộng tuyến đường nông dân tự quản “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Bến đò ngang an toàn”, “Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn”...
Đẩy mạnh tuyên truyền
Qua xã Đại Quang (Đại Lộc), một đoạn đường ĐT609 thuộc địa bàn thôn Tam Hòa chi chít “ổ gà”. Nhà ở giáp ranh thôn Tam Hòa, người dân thôn Hòa Thạch chứng kiến nhiều vụ người đi đường bị té ngã do vấp phải cạm bẫy “ổ gà”, không ít trường hợp phải sơ cứu hoặc cấp cứu. Không thể đứng yên, một nhóm người ở thôn Hòa Thạch chủ động mua nguyên vật liệu để vá “ổ gà”.
Một người tên Hải chia sẻ: “Trước khi chờ đơn vị quản lý đường đến sửa chữa, chúng tôi vá tạm để hạn chế tai nạn cho người dân lưu thông qua đoạn đường này”. Hành động của nhóm người dân thôn Hòa Thạch xứng đáng ghi nhận, biểu dương.
Qua thực hiện mô hình điểm về ATGT, ông Lê Thái Bình nhìn nhận, công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Nhiều cơ sở triển khai thực hiện còn mang nặng tính hình thức, một bộ phận người dân chưa tự giác chấp hành pháp luật, dẫn tới tai nạn giao thông xảy ra để lại hậu quả nặng nề đối với gia đình và xã hội.
Ở một số địa phương, công tác tuyên truyền, vận động chưa chú trọng đúng mức, tài liệu tuyên truyền không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nguồn kinh phí có nơi cấp rất hạn chế, thậm chí nhiều địa phương “trắng” nguồn lực, vì vậy không thể tổ chức tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư, xã, phường, thị trấn.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên từ 15 - 27 tuổi. Trong lúc, đoàn viên thanh niên là lực lượng chính tham gia giao thông và cũng là đối tượng vi phạm nhiều nhất.
Vậy nhưng, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng này chưa được chú trọng. Nhiều mô hình điểm, điển hình chưa được Ban ATGT cấp huyện, thậm chí Ban ATGT tỉnh đánh giá lại và biểu dương, nhân rộng tại các cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết mà chủ yếu nêu chung chung.
Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm, đó là ưu tiên bố trí kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức Mặt trận, hội đoàn thể, cơ quan báo chí. Bởi vì, công tác tuyên truyền vốn được Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong số ít giải pháp trọng tâm để xây dựng văn hóa giao thông, tạo môi trường lưu thông an toàn, hướng đến giảm tai nạn giao thông bền vững.
Ông Lê Thái Bình cho rằng, Ban ATGT tỉnh cần bố trí kinh phí tương xứng nhằm tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Nhiều tổ chức hội, đoàn thể kiến nghị Ban ATGT cấp tỉnh, cấp huyện nên ưu tiên nguồn lực bảo đảm ATGT, bởi đây là hành động cần thiết vì mục tiêu “Tính mạng con người trên hết, trước hết”.