Chuyện phố đi bộ
Đối với các đô thị trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng “phố đi bộ” vẫn là một kỳ vọng gắn liền với nhiều thách thức, không phải đơn thuần đưa “chủ trương” vào đời sống là xong.
Phố không chỉ có những ồn ã của xe cộ và dịch vụ. Khi du lịch dần phục hồi và có khởi sắc, câu chuyện “phố đi bộ” được nhắc lại như chiến lược để làm mới, tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách và hình thành mảng kinh tế mới cho cư dân đô thị. Nhưng đâu đó, vẫn thiếu vắng nhiều giá trị cốt lõi, hình thành không gian kỳ thú cho đô thị ở các phố đi bộ.
Áp lực lên di sản
Không mới, nhưng ngay cả tại Hội An, câu chuyện phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ cũng nhiều lần vấp phải ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng dân cư lẫn những người làm dịch vụ. Vô hình trung, áp lực vẫn đè nặng lên di sản khi du khách ùn ùn trở lại Hội An, cùng với việc cư dân phố cổ phải san sẻ nhiều trách nhiệm khi phố đi bộ được duy trì.
Đã có phiền toái nhất định trong đời sống, sinh hoạt của cư dân. Đó là chưa kể, rất nhiều lần Hội An “vỡ trận” khi những con đường không tiếng động cơ phải gồng mình với lượng du khách khổng lồ trong các sự kiện lớn về văn hóa, du lịch mà thành phố này đăng cai tổ chức.
Nói như thế, để thấy câu chuyện phố đi bộ cần được tính toán dài hơi và cẩn thận hơn trong bối cảnh hạ tầng còn quá thiếu và yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.
Các chuyên gia nhận định, linh hồn của các phố đi bộ phải là sự kết nối hài hòa, sâu lắng các yếu tố lịch sử - văn hóa - thương mại, tạo ra sự thu hút riêng biệt. Soi chiếu vào thời điểm hiện tại, gần như chỉ có Hội An đáp ứng các tiêu chí về lịch sử, văn hóa lẫn thương mại theo khái niệm “phố đi bộ”.
Nhưng không gian của phố đi bộ, cách thức vận hành để hài hòa quyền lợi cư dân và giảm tải áp lực cho di sản hoàn toàn không phải là điều dễ. Tiểu thương chợ Hội An từng có lần phản ứng chủ trương mở rộng phố đi bộ, vì lo ngại ảnh hưởng lớn đến việc mua bán của họ.
Thành phố cũng từng phải điều chỉnh thời gian thực hiện chương trình nghệ thuật phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ do vấp phải những tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân phố cổ.
Nhìn rộng ra, câu chuyện hình thành phố đi bộ là một “nan đề” cho các thành phố, thị xã như Tam Kỳ, Điện Bàn. Tại Tam Kỳ, phố đêm tại chợ Vườn Lài đưa vào thử nghiệm đã nhanh chóng cho thấy sự “hụt hơi” so với kỳ vọng.
Trong lễ hội hoa sưa ở phường Hòa Hương, dòng người đổ tràn ngập khắp con đường rẽ vào làng Hương Trà, cùng với sự chen chúc của phương tiện ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến sản phẩm du lịch sinh thái mới mẻ mà thành phố đang quyết tâm gầy dựng. Sự đơn điệu của các sản phẩm văn hóa, thương mại tại lễ hội này cũng chưa thể tạo dựng được “linh hồn” để hình thành một phố đi bộ - dĩ nhiên ở mức độ thử nghiệm.
Đánh giá kỹ tác động
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, để đa dạng các sản phẩm du lịch, tại khu vực Quảng trường 24/3, thành phố dự định sẽ đầu tư xây dựng một thư viện số tại không gian cà phê Tam Kỳ (cũ). Điều này ít nhiều thể hiện quyết tâm tạo lập giá trị mới mẻ cho không gian đi bộ quen thuộc của người dân lẫn du khách ở Tam Kỳ, giúp họ khám phá, nhận diện và thụ hưởng bản sắc văn hóa. Nếu thực hiện được, đây sẽ là sân chơi thú vị để du khách, người dân bước ra khỏi không gian mạng, tìm hiểu và biết đâu đấy, có những đóng góp sáng tạo cho câu chuyện phát triển đô thị tương lai.
Khái niệm phố đi bộ (walking street, pedestrian street) không chỉ phục vụ cho du lịch và mua sắm. Thực tế cho thấy, không chỉ ở trung tâm, ngay cả các khu dân cư mới cũng rất cần con đường dành cho người đi bộ, một không gian dân sinh, phúc lợi cho xã hội ở đô thị. Những con đường đi bộ này rất cần được đưa vào các quy hoạch trong bối cảnh khu dân cư, khu đô thị đang ngày càng gia tăng ở các đô thị.
Một câu chuyện khác về hạ tầng, là các bãi giữ xe. Hội An gánh chịu áp lực nặng nề về giao thông với lưu lượng phương tiện khá lớn đổ về đô thị di sản, trong khi bãi giữ xe vẫn quá yếu và thiếu về sức chứa. Những người lần đầu tiên đến lễ hội hoa sưa, hay ghé biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) vào mùa cao điểm hẳn cũng ít nhiều mệt mỏi với câu chuyện chen lấn để gửi xe ở các bãi giữ xe tự phát của nhà dân.
Thiết lập phố đi bộ hay các sự kiện tương tự, cũng phải tính toán giờ giấc để đảm bảo không gây ách tắc giao thông, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của cộng đồng trong không gian tạo lập phố đi bộ. Không thể thiết lập các phố đi bộ ở những khu phố khi đường sá không có “lối thoát”, bởi những túi người khổng lồ trong các sự kiện đều tiềm ẩn những rủi ro...