Vùng Quảng Nam thời Lâm Ấp

VÕ VĂN THẮNG 11/12/2022 07:09

Giữa thế kỷ 4, vua Phạm Văn của Lâm Ấp đã mở rộng lãnh thổ từ lưu vực sông Thu Bồn ra các hướng, giành được quyền cai quản toàn bộ Nhật Nam. Các vị vua Lâm Ấp sau đó tiếp tục tiến đánh ra phía bắc và có lúc đã đề nghị Trung Hoa giao cho Lâm Ấp cai quản cả phần còn lại của Giao Châu, tức vùng lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hồng.

Trà Kiệu được xác định là vùng đất Lâm Ấp xưa. Ảnh: Internet
Trà Kiệu được xác định là vùng đất Lâm Ấp xưa. Ảnh: Internet

Những tư liệu sử sách

Theo ghi chép trong “Đại Việt sử ký tiền biên”, năm 413, Phạm Hồ Đạt, vua nước Lâm Ấp vào cướp Cửu Chân. Tuệ Độ (Thứ sử Giao Châu) đánh tan được. Năm 431, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại đem hơn 100 lâu thuyền đến đánh Cửu Chân, giành lại toàn bộ Nhật Nam như thời Phạm Văn, sau đó ông còn có tham vọng xin nhà Tống cho quản lĩnh hết cả phần đất từ đèo Ngang ra đến vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Việc này có chép trong Tống Thư: (Nguyên Gia) thập niên, Dương Mại khiển sứ thượng biểu hiến phương vật, cầu lĩnh Giao Châu, chiếu đáp dĩ đạo viễn, bất hứa). Dịch nghĩa: Niên hiệu Nguyên Gia thứ 10 - năm 433 - Dương Mại sai sứ dâng biểu cống phương vật, cầu lĩnh Giao Châu, (vua Tống) ban chiếu trả lời vì đường xa, không đồng ý.

Đến năm 446, vua nhà Tống sai Đàn Hòa Chi, là Thứ sử Giao Châu cử binh đánh Lâm Ấp. Vua Phạm Dương Mại cầu hòa không thành công. Quân Đàn Hòa Chi tiến đánh, cướp phá Lâm Ấp. “Thủy Kinh Chú” chép rằng Đàn Hòa Chi đã tiến đến vịnh Bành Long và định đánh vào thành Điển Xung của Lâm Ấp. Thành này được một số nhà nghiên cứu xác định nằm ở khu vực Trà Kiệu, Quảng Nam ngày nay.

“Năm Nguyên gia thứ 23 (năm 446) Thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi phá thành Khu Túc, cờ bay rợp biển, định kéo đến thành Điển Xung, lên Quỷ Tháp trong vịnh Bành Long, đánh nhau to với quân Lâm Ấp, rồi đi thuyền đến Điển Xung. Quân Lâm Ấp vào sông ngách, lệnh cho quân cẩn thận không tiến. Phía tây sông tức là kinh đô của Lâm Ấp, đóng ở Điển Xung, cách bờ biển 40 dặm”.

“Nam Tề Thư” chép về đất nước Lâm Ấp có nhiều tượng thần Ấn Độ giáo (gọi là thần của người Hồ). Đàn Hòa Chi nấu chảy tượng để mang vàng về nước, sau bị thần Hồ ám mà chết. “Lâm Ấp có núi vàng. Nước quặng vàng chảy ra ở cửa sông.

Theo đạo Ni-càn (Nirgrantha), đúc tượng người bằng vàng, bạc, rất to lớn (mười vòng ôm). Niên hiệu Nguyên Gia thứ 22 (năm 445), Thứ sử Giao Châu Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp, Dương Mại muốn nộp một vạn cân vàng, 10 vạn cân bạc, 30 vạn cân đồng, trả lại đất Nhật Nam. Đại thần Biện Tăng Đạt can gián, không chấp nhận. Hòa Chi tiến binh, vượt biên giới phía bắc (của Lâm Ấp), cướp phá thành Khu Túc, thu vô số đồ quý bằng vàng, phá hủy tượng người bằng vàng, được mấy vạn cân vàng ròng và nhiều vật khác. Về sau, Hòa Chi bị bệnh chết, mơ thấy thần “Hồ” ám hại”.

Khởi nguồn của Chămpa

Đến giữa thế kỷ 6 (bắt đầu từ năm 541), ở Giao Châu, Lý Bôn chống lại chính quyền đô hộ Trung Hoa (triều nhà Lương), tự xưng là Lý Nam Đế, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân. Đến đầu thế kỷ 7, triều nhà Tùy thay nhà Lương ở Trung Hoa. Năm 602, vua nhà Tùy sai tướng là Lưu Phương tiến công Vạn Xuân, lập lại chính quyền đô hộ ở Giao Châu. Năm 605, Lưu Phương được giao đi đánh Lâm Ấp.

Một trang của Tống Thư, chép việc vua Dương Mại xin quản lĩnh Giao Châu.
Một trang của Tống Thư, chép việc vua Dương Mại xin quản lĩnh Giao Châu.

“Đại Việt sử ký tiền biên” chép việc này như sau: “Bọn bề tôi nhà Tùy có người nói Lâm Ấp nhiều của báu lạ, vua Tùy bèn giao cho Phương làm Hoan Châu đạo hành quân tổng quản đi đánh Lâm Ấp… Mùa hạ, tháng 4, Phạn Chí bỏ thành chạy ra cửa biển, Phương vào thành lấy được 18 thần chủ thờ ở miếu (nước có 18 đời vua) đều đúc bằng vàng. Sau đó Phương khắc đá ghi công và kéo về. Quân lính chân bị phù thủng, mười phần chết tới bốn, năm. Phương cũng bị bệnh chết ở dọc đường”.

Như vậy, từ giữa thế kỷ 4 cho đến đầu thế kỷ 7, các triều đình của Trung Hoa thường xuyên sai quan quân ở Giao Châu tiến đánh Lâm Ấp; không chỉ tàn phá vùng phía bắc đèo Hải Vân (Khu Túc), mà có khi tấn công kinh đô Điển Xung ở lưu vực sông Thu Bồn, phá hủy đền miếu, tượng thờ, lấy đi nhiều của báu.

Mặc dù vậy, sau các đợt tiến công, quan quân Trung Hoa đều phải rút lui; Lâm Ấp không hề tiêu vong mà vẫn giữ được các lãnh địa mà các vị vua Lâm Ấp đã thu phục được, từ đèo Ngang ở phía bắc, giáp với Giao Châu, cho đến khoảng đèo Cả ở phía nam, giáp với Phù Nam.

Sử sách Trung Hoa gọi vùng đất giữa Giao Châu và Phù Nam là nước Lâm Ấp, theo tôn giáo của người Hồ, dùng chữ Hồ; còn các vị vua “Lâm Ấp” thì lập nên các văn khắc bằng chữ Hồ (Sanskrit), thờ các vị thần Ấn Độ giáo và gọi tên đất nước mình là “Chămpa” như còn thấy được ở các di tích tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung.

VÕ VĂN THẮNG