Người Quảng xưa "nói chuyện" với người nước ngoài

NGUYỄN DỊ CỔ 11/12/2022 06:36

Quảng Nam là vùng đất có vị trí địa lý đặc biệt cũng như có những danh nhân thực hiện sứ mệnh “xuất ngoại” nên từ sớm đã có những cuộc tiếp xúc quốc tế. Cuộc giao tế giữa người Quảng xưa và người nước ngoài có thể diễn ra tại bản xứ hoặc tại nước khác. Mặc dù có sự hạn chế về ngôn ngữ, nhưng các cuộc giao tế vẫn thực hiện thành công và mang chứa những điều thú vị.

Sứ thần Đại Việt (mãng bào trắng) và sứ thần Triều Tiên (bên phải ảnh) trong họa phẩm “Vạn quốc lai triều đồ” (1761) thời Thanh. Ảnh: T.L
Sứ thần Đại Việt (mãng bào trắng) và sứ thần Triều Tiên (bên phải ảnh) trong họa phẩm “Vạn quốc lai triều đồ” (1761) thời Thanh. Ảnh: T.L

Từ công cụ “nói chuyện” trên giấy…

Trước 1945, người Việt Nam thường chủ yếu giao lưu tiếp xúc với những người thuộc các quốc gia đồng văn như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Trong quá trình giao tiếp như vậy, mọi người thường sử dụng chữ Hán để tương thông.

Phan Bội Châu đã tự nhận: “Tiếng Nhật đã không thông mà tiếng Tàu lại ú ớ, nói phô bằng bút (bằng chữ Hán - NV. chú), giao thiệp bằng tay, phiền lụy không biết chừng nào! Ngoại giao mà như thế, thật đáng xấu hổ!”.

Các đoàn sứ bộ Việt Nam sang Trung Quốc, ngoài một số thông ngôn có thể trực tiếp nói tiếng sở tại, làm thông dịch, còn lại phần lớn thành viên trong phái đoàn muốn “nói chuyện” với người sở tại thì phải sử dụng bút đàm bằng chữ Hán. Ngoài ra, tại đất Trung Quốc, người Việt Nam còn giao tiếp với người Triều Tiên, người Nhật và thậm chí cả người phương Tây cũng bằng bút đàm chữ Hán.

Lý Tối Quang - sứ giả Triều Tiên tại Trung Quốc đã quan sát về sứ đoàn Việt Nam lúc bấy giờ và chép rằng: “đoàn sứ thần Phùng Khắc Khoan có 23 người, đều búi tóc, trong đó chỉ có một người biết tiếng Hán để thông dịch, còn thì dùng chữ viết để cùng hiểu nhau”.

Chữ Hán còn là phương tiện để trao đổi thông tin, thương thảo, bàn bạc một số nội dung quan trọng của đất nước với nước ngoài ở thể loại thư. Các vị chúa Nguyễn đương thời thường viết thư bằng chữ Hán gửi ra ngoại quốc (chủ yếu Nhật Bản) để tranh thủ thắt chặt quan hệ ngoại giao, được tập hợp trong An Nam quốc thư.

Một số người Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên phiêu bạt đến đất Quảng đã thoát khỏi cái chết cũng nhờ sự giao tiếp bằng chữ Hán, trong đó bao gồm bút đàm trực diện hay viết thư lên quốc vương.

Ngoài ra, vai trò của thông ngôn đôi khi không phát huy tối đa hiệu quả, ví dụ “mỗi lúc vấn đáp, thông ngôn phiên dịch thường sai lắm”, “thông sự có dịch thuật nhưng không được khúc chiết rõ ràng”, “người thông ngôn cũng không truyền dịch được”… cho nên mọi người phải sử dụng chữ Hán để đạt được hiệu quả giao tiếp, như “xin chép lại từng điều” để xem, “tự viết chữ trên giấy”.

…Đến thực tiễn “nói chuyện” quốc tế

Tại đất Quảng, những người nước ngoài đã đặt chân đến và diễn ra sự giao tế với người Quảng xưa như “khách mời” Thích Đại Sán (năm 1695) hay những người Trung Quốc (Chu Thuấn Thủy - năm 1657, Thái Đình Lan - năm 1835), Nhật Bản, Triều Tiên bị phiêu bạt, lưu vong đến đất Quảng được ghi lại trong An Nam cung dịch kỷ sự, Hải Nam tạp trứ, Nam phiêu An Nam ký sự; Trú Vĩnh biên.

Thậm chí còn có cuộc “nói chuyện” giữa Chu Thuấn Thủy (người Trung Quốc) và Tống Ngũ Lang (người Nhật) trên đất Hội An. Tại nước ngoài, người Quảng xưa mà tiêu biểu là Nguyễn Thuật, Phạm Phú Thứ đã “nói chuyện” với người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Triều Tiên, người Anh… trên đất Trung Quốc.  

Đối tượng nước ngoài mà người Quảng xưa “nói chuyện” gồm nhiều thành phần xã hội như quan lại (triều thần Trung Quốc), kẻ sĩ, trí thức (Chu Thuấn Thủy là trưng sĩ của triều Minh, Thái Đình Lan là người khai khoa tiến sĩ của Bành Hồ, Vương Thao là chủ bút nhật báo Tuần hoàn…), tăng sư (Thích Đại Sán), sa môn Nhật Bản, người dân thường (những người đi tàu đánh cá, buôn bán bị trôi dạt).

Nội dung “nói chuyện” bao gồm công việc bang giao triều chính, quốc gia chính sự (giữa Nguyễn Thuật với quan lại Trung Quốc), trao đổi tri thức (giữa Chu Thuấn Thủy, Thái Đình Lan với nhân sĩ địa phương đất Quảng, hoặc giữa Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật với quan nhân Trung Quốc sở tại), công việc xã giao bình thường, văn chương xướng họa.

Một vị quan đất Quảng bút đàm để hướng dẫn cho Thái Đình Lan hiểu biết về phong tục tập quán của Việt Nam để ứng xử cho phù hợp: “Nước tôi có lệ ngày Nguyên đán từ lúc gà gáy các quan văn võ đều vào cung chúc mừng, được ban tiền rồi lùi ra, từ lúc ấy niêm phong cổng cung chờ đến khi có chỉ dụ mở cổng mới được ra vào”.

Sự nhận thức của Nguyễn Thuật về trà Vũ Di cũng như trà Trung Quốc nói chung hay nhân sâm cũng từ việc “nói chuyện” với Hậu bổ Tri phủ Trần Điếu Bình và Đường Cảnh Tông: “Trà Vũ Di sản xuất ở tỉnh Phước Kiến, cũng là sản vật miền núi”.

Chu Thuấn Thủy viết ra giấy thông tin cá nhân để mọi người ở hiện trường biết được: “Tôi, Chu Chi Du người Chiết Giang. Khi người Trung Quốc chịu cảnh nước mất nhà tan, trời nghiêng đất ngả, tôi không cam bím tóc theo giặc (Mãn Thanh), nên mới chạy trốn sang quý quốc từ 12 năm nay, lìa bỏ mồ mả cha ông, để lại vợ con. Khí giặc vẫn không suy, người Minh chúng tôi khó lòng về lại”…

Nội dung “nói chuyện” của người Quảng xưa với nước ngoài đã bổ sung tư liệu lịch sử cho Việt Nam, nhất là lịch sử quan hệ quốc tế, mà các bộ chính sử đã không đề cập đầy đủ. Những người nước ngoài có sự hiểu biết hơn về tự nhiên và xã hội Việt Nam hoặc họ thể hiện sự hiểu biết của mình về đất nước Việt Nam từ những cuộc “nói chuyện” này.

Chẳng hạn, những người Triều Tiên đương thời có sự ngạc nhiên về địa vị của phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến, càng ngạc nhiên hơn khi một người phụ nữ biết chữ Hán và có quyền uy thả những người Triều Tiên bị trôi dạt đến Hội An khỏi bị giết.

Tác phẩm Trú Vĩnh biên có đoạn: “...Được đưa đến trước viên quan mặc áo đen, đội mũ làm bằng đuôi lông ngựa. Người này ngồi trên ghế và viết đại ý: “Thái tử nước chúng tôi trước đây bị người Triều Tiên giết nên giờ đây phải giết các người để báo thù”. Những người Tế Châu khi đọc được những dòng đó đều khóc rống lên. Bỗng nhiên một phụ nữ mặc đồ lụa, đeo đầy trang sức xuất hiện. Đó là người đàn bà đài các, từ bà tỏa ra hương thơm kỳ lạ. Cầm lấy bút bà viết: Các người đừng khóc, nước ta vốn không sát hại người, các người có thể ở lại, nếu không thì cứ đi”.

Đồng thời cũng từ nội dung bút đàm này, chúng ta có thể biết được thông tin có thái tử An Nam bị người Triều Tiên giết hại trước năm 1687, trong khi đó các chính sử không có ghi rõ chi tiết này.

Một cuộc “nói chuyện” của Chu Thuấn Thủy với một quan địa phương đất Quảng cho thấy người Hội An đương thời cũng có rất nhiều sách và đọc rộng. Đó cũng là minh chứng vì sao người dân đánh cá ở vùng đất này có thể viết được chữ Hán mà Thái Đình Lan bắt gặp, đặc biệt trường hợp người phụ nữ của vùng đất này có thể sử dụng chữ Hán để bút đàm với những người Triều Tiên gặp nạn năm 1687.

NGUYỄN DỊ CỔ