Nghệ sĩ khèn dưới chân núi Aruung

ALĂNG NGƯỚC 11/12/2022 06:21

Điệu khèn vang từ căn nhà dưới chân núi Aruung (thôn Azứt, xã Bha Lêê, Tây Giang). Ông Hôih Apla đang mải mê chỉnh âm cho những “đứa con” tinh thần vừa hoàn thành. Hơn 40 năm qua, bằng tình yêu với nhạc cụ truyền thống, cựu binh người Cơ Tu này trở nên bận rộn góp sức cho công tác bảo tồn văn hóa tại địa phương.

Nghệ nhân Hôih Apla nhiều năm gắn bó với nghề chế tác khèn Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nghệ nhân Hôih Apla nhiều năm gắn bó với nghề chế tác khèn Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sống với… “lửa nghề”

Có khách, ông Hôih Apla (78 tuổi) dừng công đoạn “tân trang” chiếc khèn. Câu chuyện giữa chúng tôi, vì thế xoay quanh chiếc khèn và nhạc cụ truyền thống. Như chạm đúng… mạch, hành trình chế tác, biểu diễn, hỗ trợ người dân sửa chữa khèn hơi và các nhạc cụ truyền thống Cơ Tu được ông Apla say sưa kể hệt như người làng chăm chút từng công đoạn của gươl mới.

Sẽ mở lớp truyền dạy văn hóa Cơ Tu

Ông Alăng Ahon - Cán bộ Văn hóa xã Bha Lêê cho biết, bằng khả năng chế tác và chơi các loại nhạc cụ truyền thống, nhiều năm qua, ông Hôih Apla có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là việc truyền dạy cách chơi nhạc cụ cho người trẻ. Từ đóng góp của ông Apla, địa phương đang xây dựng kế hoạch mở lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho học sinh tại địa phương, giúp văn hóa Cơ Tu được trao truyền, tiếp nối.

Đó là năm 1979, lần đầu tiên ông đặt mua chiếc khèn từ nghệ nhân Cơ Tu ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Cầm chiếc khèn trên tay, thay vì tập thổi, ông lại tháo ra từng bộ phận, rồi tự tay lắp ráp lại như ban đầu. Sau quá trình mày mò, ông Apla bắt đầu nghiên cứu, rồi chế tác thành công lần lượt từng chiếc khèn hơi trước sự ngỡ ngàng của cộng đồng dân bản.

Để có nguyên liệu chế tác, ông Apla mất hơn vài tháng ngược núi để tuyển chọn ống tre chất lượng, có khả năng tạo ra âm thanh trầm bổng đặc trưng của khèn. Đó là loại tre giang, thường mọc ở nơi rừng rậm nên khá hiếm.

“Phải chọn ống tre thẳng, có đốt dài và không bị sâu mọt. Đốt tre sau khi mang về thường được phơi khô trên giàn bếp, sau đó tỉa tót, đục lỗ tạo khí hơi. Loài tre giang có thành vỏ mỏng nên rất phù hợp cho việc tạo ra âm thanh” - ông Apla chia sẻ.

Ông Apla lấy ra từ chiếc ta’lec (loại gùi 3 ngăn của đàn ông) chiếc khèn, cùng nhiều nhạc cụ truyền thống khác như aluốt, abel, cr’zool… thổi các làn điệu dân ca Cơ Tu đầy mê hoặc.

Ông Apla nói, đây là tài sản của riêng mình, sau hàng chục năm nghiên cứu, chế tác thành công. Tất cả được trưng bày ở một không gian của căn nhà, nơi ông treo rất nhiều kỷ vật như một “bảo tàng gia đình”.

Ông Apla biểu diễn nghệ thuật chơi nhạc cụ cr'toot truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ông Apla biểu diễn nghệ thuật chơi nhạc cụ cr'toot truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhờ khả năng chế tác và chơi thành thạo các loại nhạc cụ, năm 2006, ông Apla được ngành văn hóa mời ra tận Hà Nội tham dự Ngày hội các dân tộc Việt Nam và trình diễn nhạc cụ truyền thống. Chuyến đi như một sự khích lệ tinh thần, giúp ông Apla dành nhiều hơn thời gian và tâm huyết cho việc chế tác, truyền dạy cách chơi khèn, sáo cho người trẻ tại địa phương.

Năm 2008, ông chính thức được công nhận Nghệ nhân ưu tú, tiếp tục góp sức cho công tác bảo tồn văn hóa, trở thành người duy nhất ở Tây Giang có khả năng chế tác khèn truyền thống độc đáo của người Cơ Tu.

Tâm nguyện của cựu binh già

Câu chuyện giữa chúng tôi tạm ngắt quãng khi 2 cán bộ thôn tìm đến nhà ông xin ý kiến tổ chức ngày khánh thành gươl mới, mừng tết. Cuộc trao đổi chóng vánh, ông Apla lấy từ trong tủ chiếc áo quân đội có đính nhiều huy hiệu huân chương kháng chiến chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng của xã.

Ông Apla là cựu chiến binh một thời nức tiếng ở vùng biên Tây Giang này. Rất nhiều huân - huy chương kháng chiến chống Mỹ được treo trên vách nhà và đính trên ngực áo của ông.

Cựu binh Hôih Apla kể lại cuộc đời binh nghiệp, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cựu binh Hôih Apla kể lại cuộc đời binh nghiệp, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Hồi đó, khoảng năm 1964, từ vùng đất Aruung cũ thuộc đất Lào mình đi cách mạng, làm giao liên. Đến năm 1967 mới nhập ngũ, trở thành bộ đội chủ lực của tỉnh tham gia kháng chiến tại vùng Azal, xã Mà Cooih, Đông Giang bây giờ.

Mãi đến năm 1978 mình mới xin về phục viên do sức khỏe không đảm bảo. Vừa trở về địa phương, mình lại được tín nhiệm tiếp tục làm cán bộ xã, qua nhiều chức vụ, trong đó có chức Xã đội trưởng và Chủ tịch Hội cựu chiến binh” - ông Apla kể.

Cuộc đời binh nghiệp thời chiến, đi qua nhiều trận đánh ác liệt, ông Apla có đến 2 lần bắn rơi máy bay của Mỹ và 3 lần bị thương. Nhiều chuyến đi dài khắp rừng Trường Sơn để gùi đạn dược, phục kích trận đánh giặc cứ hiện thoáng trong trí nhớ của cựu binh già.

Trong lời kể của mình, ông Apla nhớ nhất vào năm 1969, lúc đó chiến trường Quảng Nam đang thời kỳ chiến tranh ác liệt. Tổ chức cử ông ra miền Bắc an dưỡng và học văn hóa. Sau thời gian suy nghĩ, ông đã từ chối.

Thẳm sâu trong câu chuyện của mình, ông Apla nói, tuổi thanh xuân đã đóng góp cho cách mạng, tham gia kháng chiến giành độc lập. Nay tuổi già sức yếu, không còn sức tham gia hoạt động xã hội nên chỉ có thể góp chút công sức cho công tác bảo tồn văn hóa, xem đó như trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang này...

ALĂNG NGƯỚC