Quảng Nam đề xuất làng mộc Kim Bồng là mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn

CHÂU NỮ 10/12/2022 16:33

(QNO) - Quảng Nam đề xuất làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) là mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Làng mộc Kim Bồng, Hội An. Ảnh: webdulichhoian.com
Làng mộc Kim Bồng, Hội An. Ảnh: webdulichhoian.com

Theo đề nghị của Bộ NN&PTNT về đề xuất mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất một mô hình thí điểm được triển khai tại địa phương là mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng.

Mô hình thực hiện từ năm 2023 đến 2025 tại làng mộc Kim Bồng và vùng phụ cận hướng đến mục tiêu cải thiện sinh kế người dân thông qua phát triển du lịch nông thôn bền vững dựa trên cơ sở phát huy các giá giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên.

Qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương; bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và tài nguyên thiên nhiên.

Mô hình dự kiến tạo thu nhập cho khoảng 100 hộ dân tại khu vực; mỗi năm thu hút khoảng 30 nghìn lượt khách, thu nhập từ du lịch ước đạt 2 tỷ đồng.

Dự kiến tổng kinh phí triển khai mô hình là 5 tỷ đồng, trong đó vốn đề xuất hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 4 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2 tỷ đồng; ngân sách đối ứng của địa phương 2 tỷ đồng); vốn huy động từ tổ chức kinh tế, cộng đồng và nguồn vốn hợp pháp khác 1 tỷ đồng.

Làng mộc Kim Bồng là làng nghề thủ công nổi tiếng nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Từ làng nhìn qua bên kia sông là khu phố cổ Hội An. Đây là vị trí thuận lợi vừa không cách xa trung tâm đô thị, vừa dễ dàng trong việc giao thông - vận chuyển vật liệu bằng đường thủy để phát triển ngành nghề.

Trong các xóm ngõ của gần 1.000 ngôi nhà tại làng mộc nổi tiếng này vẫn diễn ra hoạt động chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà; cạnh đó còn có các nghề truyền thống khác như đan chiếu, đan thúng chai, tráng bánh, làm lồng đèn cùng với các ngôi đình, nhà thờ cổ và khoảng 10 ngôi nhà cổ còn lưu giữ, thể hiện được nét tinh hoa của nghề mộc Kim Bồng xưa đã cho thấy rõ Cẩm Kim khoác trên mình rất nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Làng nghề mộc Kim Bồng còn được bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và tiếp tục sản xuất nhưng vẫn nằm trong tình trạng hoạt động cung cấp sản phẩm trong phạm vi địa phương, chưa thể khai thác phát huy hết được tiềm năng, vốn quý sẵn có.

CHÂU NỮ