Năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn điện lớn nhất thế giới
(QNO) - Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá vào năm 2025 để trở thành nguồn điện lớn nhất thế giới.
Báo cáo của IEA vào ngày 6/12 vừa qua cho thấy, công suất sản xuất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng khoảng 75% trong 5 năm tới, đây là một sự thay đổi lớn trong cơ cấu nguồn điện của thế giới vào thời điểm có nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị.
Bên cạnh lo lắng về thay đổi khí hậu toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine càng thúc đẩy các quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
IEA dự kiến công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới sẽ tăng từ 2.400GW - tương đương với toàn bộ công suất điện hiện tại của Trung Quốc, lên 5.640GW trong giai đoạn 2022 - 2027.
Đầu năm nay, báo cáo từ IEA cho biết đầu tư năng lượng sạch có thể sẽ vượt 2.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, tăng hơn 50% so với hiện nay.
Đến năm 2027, riêng công suất điện mặt trời được dự báo sẽ vượt điện than.
Mức tăng đó cao hơn 30% so với mức tăng được dự đoán một năm trước, do giá nhiên liệu và điện cao hơn khiến năng lượng tái tạo ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Giám đốc điều hành IEA - ông Fatih Birol nói: "Năng lượng tái tạo mở rộng nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy chúng vào một giai đoạn mới phi thường với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các quốc gia tìm cách tận dụng lợi ích an ninh năng lượng của họ. Thế giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã làm trong 20 năm trước".
Các chính phủ và doanh nghiệp châu Âu đang tìm cách thay thế khí đốt của Nga bằng các giải pháp thay thế càng nhanh càng tốt, trước mắt cho những tháng lạnh mùa đông sắp tới.
Các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang áp dụng các chính sách và cải cách thị trường để triển khai năng lượng tái tạo nhanh hơn so với kế hoạch trước đây.
Riêng đầu tư sản xuất thiết bị mặt trời của Mỹ và Ấn Độ dự kiến sẽ đạt gần 25 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2027, tăng gấp 7 lần so với 5 năm qua.
IEA cho biết mức tăng năng lượng tái tạo trên sẽ duy trì khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, tốt nhất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo Thỏa thuận Paris năm 2015.
Ngoài ra, việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) do con người tạo ra xuống mức 0% vào năm 2050 được xem là rất quan trọng khi đáp ứng được mục tiêu 1,5 độ C.