Thúc đẩy tiếp cận du lịch xanh
Tiếp cận thực chất, mang lại đa lợi ích cho các chủ thể tham gia và cần được đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa... là những vấn đề được doanh nghiệp du lịch quan tâm tại hội thảo về chính sách phát triển du lịch xanh Quảng Nam vừa diễn ra tại TP.Hội An.
Hiệu ứng tích cực
Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam đã được ban hành vào tháng 12/2021 và tạo được hiệu ứng tích cực khi Quảng Nam là địa phương đầu tiên triển khai vấn đề này. Theo đại diện quản lý khách sạn Hội An Beach Resort, việc tiếp cận du lịch bền vững thực ra không quá mới mẻ.
Trước đây, đơn vị đã tham gia và được Tổng cục Du lịch trao chứng nhận nhãn hiệu “Bông sen xanh” dành cho đơn vị phát triển du lịch bền vững. Vấn đề ở đây là hiệu ứng từ nhãn hiệu này mang lại thì không rõ rệt. Do đó, cần có giải pháp để xác lập thương hiệu cho nhãn hiệu du lịch xanh Quảng Nam.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam đã được tham vấn từ nhiều tổ chức du lịch bền vững uy tín trên thế giới và khi được chứng nhận này thì cũng có thể xem là đã hoàn thành được một phần tiêu chuẩn du lịch bền vững của thế giới.
“Nếu cộng đồng doanh nghiệp địa phương hưởng ứng, tham gia rộng rãi hơn thì thông qua nhiều kênh, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ tiếp tục kết nối để nâng tầm giá trị của chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam được định vị thương hiệu ở tầm quốc tế” - ông Phan Xuân Thanh nói.
Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận du lịch xanh cho 10 doanh nghiệp tiên phong tiếp cận và đạt yêu cầu của bộ tiêu chí này. Trong số này có khá nhiều đơn vị vận hành ở quy mô lớn, đã xác lập được thương hiệu trong hoạt động du lịch địa phương như: Four Season Resort The Nam Hai, La Siesta Hoi An Resort & Spa, Công ty TNHH du lịch Hoi An Express, Công ty Emic Travel…
Ông Vương Đình Mạnh - Tổng Giám đốc La Siesta Hoi An Resort & Spa cho hay, không phải ngẫu nhiên mà khoảng 80% lao động của đơn vị đã gắn bó và quay lại cùng La Siesta Resort & Spa sau đại dịch COVID-19. Việc phát triển du lịch xanh của đơn vị đã truyền cảm hứng đến người lao động về một lối sống xanh vượt ra ngoài phạm vi làm việc tại khách sạn.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa xã hội (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) cho rằng, du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu đồng thời là sự lựa chọn tất yếu của du lịch Quảng Nam trong tương lai, đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến và phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới.
Khủng hoảng COVID-19 đã đánh thức vấn đề sử dụng tài nguyên bền vững, giảm áp lực đến di sản, áp lực đến môi trường và cảnh quan tự nhiên. Do đó, cần kiên định mục tiêu du lịch bền vững và thực hành tiêu chí du lịch xanh, nương tựa vào tự nhiên và giá trị văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam.
Cần đồng hành và tiếp sức
Có một thực tế là số lượng doanh nghiệp tiếp cận mục tiêu du lịch xanh so với tổng số doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn và mức độ lan tỏa chưa thực sự cao.
Ông Phan Xuân Thanh nhận định, nếu có được khoảng 30% đơn vị tham gia vào quá trình này ở đủ các loại hình thì sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho thương hiệu du lịch Quảng Nam. Dự định về khu phố cổ Hội An không rác thải nhựa của chính quyền địa phương là rất đúng đắn và hy vọng sẽ sớm được hiện thực hóa trong tương lai.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Emic Travel cho rằng, ở góc độ của doanh nghiệp, rất mong muốn sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể cho doanh nghiệp tiên phong phát triển du lịch bền vững bởi chỉ nội lực của doanh nghiệp là không đủ. Bên cạnh đó, mô hình, sản phẩm du lịch rất dễ bị sao chép nên cần có cơ chế bảo hộ thương hiệu cho những sản phẩm tiên phong.
Theo Sở VH-TT&DL, thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển ban đầu dành cho các đối tượng thụ hưởng là các địa phương có điểm du lịch cộng đồng có khả năng phát triển theo mô hình du lịch xanh, bền vững và các đơn vị, doanh nghiệp du lịch kinh doanh lưu trú, lữ hành có tiềm năng, mong muốn phát triển sản phẩm du lịch xanh, bền vững.
Trong đó, chú trọng hỗ trợ về đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu; xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, quy chế quản lý và bảo vệ, đầu tư tái tạo điểm đến; tư vấn kỹ thuật xây dựng sản phẩm du lịch xanh; hỗ trợ tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm về du lịch xanh…