Đại Lộc, những chuyển biến mới

HOÀNG LIÊN 09/12/2022 10:49

Năm 2022, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nền kinh tế của huyện Đại Lộc từng bước hồi phục, với những đột phá về cơ sở hạ tầng, nhiều công trình, dự án động lực có sức lan tỏa.

Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Đại Lộc từng bước tiếp cận thị trường. Ảnh: H.LIÊN
Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Đại Lộc từng bước tiếp cận thị trường. Ảnh: H.LIÊN

Kinh tế hồi phục, khởi sắc

Năm 2022, huyện Đại Lộc thu hút được 5 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn và 10 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ đăng ký ngoài cụm công nghiệp. Huyện tích cực thu hút đầu tư; hoàn thiện xử lý môi trường; kêu gọi mở rộng cơ sở hạ tầng trên địa bàn 2 xã Đại Đồng, Đại Quang. Thương mại - dịch vụ của huyện trên đà phục hồi.

Các doanh nghiệp, cơ sở thương mại - dịch vụ không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, ước đạt hơn 3.578 tỷ đồng (tăng 14,14% so với năm trước, vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện).

Năm 2022, cơ cấu kinh tế của Đại Lộc có sự chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm tới 63,8%; thương mại - dịch vụ hơn 25%; nông - lâm thủy sản 10,8% tổng giá trị sản xuất. Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng ước đạt 9.024 tỷ đồng, tăng 15,13% so với năm trước, vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra (giá trị sản xuất công nghiệp phần huyện quản lý ước đạt hơn 6.784 tỷ đồng, tăng 14,08% so với năm trước).

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện cho biết, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với Sở Xây dựng quy hoạch công nghiệp dọc trục quốc lộ 14B, tạo đà phát triển công nghiệp.

Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng. Trên địa bàn, Công ty Phước Kỳ Nam chuyên sản xuất giày da đã giải quyết việc làm cho 1.500 lao động. Công ty này đăng ký xây dựng thêm 2 cơ sở tại Đại Lãnh và Đại Thắng, dự kiến giải quyết việc làm cho 3.000 lao động địa phương.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Prime Đại Lộc, các nhà máy gạch, công ty chế biến lâm sản, may mặc đã hoạt động trở lại. Sắp tới, huyện đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Bằng Am, Thái Sơn, Suối Mơ…

Đột phá kết cấu hạ tầng

Theo ông Lê Văn Quang, được sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp lãnh đạo, huyện Đại Lộc quyết định xây mới trung tâm hành chính huyện tại vị trí Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và trụ sở Ban Tuyên giáo cũ.

Trung tâm hành chính huyện có 3 phân khu với tổng diện tích khoảng hơn 3ha, bao gồm phân khu trụ sở Huyện ủy, phân khu trụ sở các cơ quan thuộc UBND huyện và văn phòng UBND huyện.

Ảnh: H.LIÊN
Ảnh: H.LIÊN

Sau khi dự án hoàn thành, các phòng ban sẽ tập trung về đây, tạo thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính, mở rộng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành của UBND huyện.

Riêng trụ sở hành chính cũ của huyện sẽ được xây dựng để trở thành quảng trường trung tâm, có vị trí thuận lợi, được khai thác phục vụ chung cho cộng đồng. Mục tiêu là tạo địa điểm trung tâm thương mại mang tính kết nối vùng, thu hút dịch vụ thương mại, xứng tầm liên vùng.

Tại Đại Lộc, nhiều dự án đầu tư xây dựng được kiện toàn, khớp nối, liên thông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển dân sinh. Cụ thể như công trình cầu Hội Khách - Tân Đợi; tuyến 14H đến ĐT609C, công trình cầu Sông Thu, cầu An Bình...

Công trình cầu Văn Ly dự kiến khởi công vào năm 2023, nối thị xã Điện Bàn với huyện Đại Lộc. Các tuyến giao thông sau khi hoàn thiện sẽ tạo kết nối liên vùng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án xây dựng khu dân cư đô thị Ái Nghĩa với 11 phân khu, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng, hướng tới phát triển Ái Nghĩa thành đô thị ven sông theo hướng xanh, sạch. Huyện cũng tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, các thiết chế y tế, giáo dục, văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân...

HOÀNG LIÊN