Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2030: Ưu tiên dự án dân sinh bức thiết
Sau thời gian khởi động Nghị quyết 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam đã và đang triển khai các dự án dân sinh ý nghĩa…
Tiếp tục sắp xếp dân cư
Triển khai các tiểu dự án theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, huyện Tây Giang ưu tiên các hạng mục sắp xếp, ổn định dân cư gắn với phát triển sản xuất, hướng đến giảm nghèo bền vững. Từ nhu cầu thực tiễn của người dân, sắp tới đây đồng loạt khu tái định cư sẽ được xây dựng, đáp ứng về ổn định chỗ ở, phòng tránh thiên tai.
Ông Alăng Lênh - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tây Giang cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu nguồn vốn thực hiện các dự án tại địa phương khoảng 410 tỷ đồng.
Riêng năm 2022 nhu cầu triển khai dự án khoảng 81 tỷ đồng để hỗ trợ phân bổ sắp xếp dân cư, làm đường giao thông, xây dựng hệ thống điện thắp sáng… tại một số địa phương theo kế hoạch của huyện. Từ nguồn vốn phân bổ đầu tư của Nghị quyết 88, Tây Giang định hướng triển khai một số hạng mục cấp thiết về bố trí đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và một số dự án công trình.
“Trên cơ sở thẩm định danh sách từ các xã, chúng tôi chủ động rà soát triển khai các hạng mục về đất ở, nhà ở và hạ tầng giao thông. Trong đó, hoàn tất thủ tục hồ sơ triển khai đầu tư một số công trình mặt bằng tại thôn Atu 1 (xã Ch’Ơm) bố trí cho 70 hộ dân sinh sống. Ngoài ra, tiến hành lập hồ sơ thủ tục xây dựng chợ trung tâm huyện; đường vào khu sản xuất tại xã Dang; đường nông thôn tại A Xan… thời gian tới” - ông Lênh cho biết thêm.
Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ngay sau khi có chủ trương phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Quốc hội, cùng với rà soát nhu cầu thực tế, huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị liên quan để chủ động triển khai thực hiện các dự án khi nguồn vốn được phân bổ.
Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ chậm nên kế hoạch triển khai cũng kéo giãn theo, đây là thực trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh và cả nước. Vì thế, kế hoạch của năm 2022 sẽ chuyển sang năm 2023 với nguồn lực tập trung thực hiện các dự án dân sinh về giao thông liên thôn, liên xã, khu đất sản xuất, sinh kế bền vững...
“Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ triển khai khu tái định cư tại thôn Atu 1, trong kế hoạch của địa phương, chúng tôi dự kiến quy hoạch sắp xếp, đầu tư cụm dân cư ven sông tại xã A Vương, giúp người dân ổn định cuộc sống và chủ động ứng phó trước thiên tai” - ông Blúi nói.
Đẩy nhanh tiến độ
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển miền núi giai đoạn trung hạn cho các cơ quan, đơn vị và địa phương với hơn 1.491 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương gần 1.330 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh hơn 162 tỷ đồng).
Từ nguồn lực trên, năm 2022 UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển gần 279,4 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 142, 2 tỷ đồng để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư.
Đến nay, có 180 công trình được đưa vào danh mục đầu tư (trong đó có 157 công trình hoàn tất lập thủ tục hồ sơ thiết kế và dự toán; 105 công trình hoàn thành lập, thẩm định và phê duyệt).
Theo ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, mặc dù là năm đầu tiên triển khai thực hiện các nội dung của đề án với nhiều khó khăn vướng mắc phát sinh, nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm chung của các cấp, ngành và đặc biệt là chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, Quảng Nam bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Nhiều địa phương chủ động, linh hoạt triển khai dự án, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng công trình và công tác giải ngân theo kế hoạch.
Tại các cuộc họp liên quan công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, các địa phương thụ hưởng chính sách cần ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình và dự án dân sinh bức thiết nhất. Đồng thời chú trọng đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn theo nguyên tắc liên kết vùng, tạo động lực kích thích sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững, hiệu quả, lâu dài.