Miền núi cần nguồn lực đầu tư lớn

DIỄM LỆ 09/12/2022 10:21

Tại phiên thảo luận tổ và chất vấn ở Kỳ họp HĐND tỉnh khóa X lần thứ 12, nhiều đại biểu cho rằng trong giai đoạn 2022 - 2025, miền núi cần nguồn lực lớn và chiến lược đầu tư hiệu quả.

Việc sắp xếp dân cư ở miền núi là bài toán khá nan giải. Ảnh: D.L
Việc sắp xếp dân cư ở miền núi là bài toán khá nan giải. Ảnh: D.L

Theo đại biểu Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, việc sắp xếp dân cư là vấn đề cần thiết, phải có cái nhìn dài hơi, quy hoạch bài bản và nghiên cứu chuyên sâu hơn. Theo bà Dung, việc sắp xếp dân cư như hiện nay làm theo kiểu chắp nối, thiếu tính bền vững nên chưa thể tạo được đời sống mới cho người dân miền núi.

Tương tự, đại biểu Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, miền núi muốn phát triển phải giải quyết được 3 vấn đề hạ tầng giao thông, điện, viễn thông thì mới nói đến những việc khác.

Chỉ 3 vấn đề đó đã tác động đến tất cả các vấn đề đa chiều được nhắc đến trong công cuộc giảm nghèo, phát triển miền núi. Thiên tai ở miền núi luôn thường trực xảy ra, làm sao phải ổn định được chỗ ở người dân thì mới tính đến cái ăn, cái mặc.

Việc sắp xếp dân cư ở miền núi cao là bài toán nan giải, ngoài khó về mặt bằng thì nguồn lực đầu tư vẫn chưa đủ mạnh. Tìm mặt bằng đã khó, đầu tư cũng không đồng bộ thì việc ổn định chỗ ở cho người dân trong cả giai đoạn 2022 - 2025 sẽ là thách thức.

Ông Dũng nêu ví dụ, ở Nam Trà My, một khu tái định cư đang gây bức xúc cho nhân dân là khu dân cư Tắc Lũ (thôn 3, xã Trà Mai). Khu dân cư này do tỉnh làm chủ đầu tư với quy mô 25 hộ, được triển khai từ năm 2017 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay đã bố trí dân vào ở đủ 25 hộ nhưng không có điện và nước sinh hoạt. Một số hạng mục đã hoàn thành, trong đó có hệ thống cấp điện nhưng chưa có điện nên không sử dụng được, cử tri kiến nghị rất nhiều lần.

Đại biểu Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cũng đồng tình rằng miền núi cần nguồn lực lớn thì mới phát triển được. Hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường học, nhà ở... cứ đầu tư dàn trải thì vẫn không thể tạo lực mạnh mẽ được.

Hoặc như nhà ở của người dân, nguồn lực đầu tư hiện nay theo quy định không đủ để xây dựng một căn nhà đảm bảo “3 chắc”, nên huyện phải kêu gọi các doanh nghiệp để thêm nguồn lực xã hội hóa, một căn nhà phải hỗ trợ được từ 80 - 100 triệu đồng tất cả các nguồn lực mới xây dựng đảm bảo được.

Đại biểu Bling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, trong giai đoạn mới, ngoài việc tập trung nguồn lực cho miền núi, phải phân cấp mạnh mẽ việc đầu tư cho miền núi. Địa phương gần dân, nắm chắc được nhu cầu, nên khi thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Ông Mia nói: “Bây giờ các quy định rất rõ ràng, nên địa phương làm thì chịu trách nhiệm. Chứ đừng để như khu dân cư mà Nam Trà My đã nói, sở ở tỉnh làm chủ đầu tư từ năm 2017 đến nay chưa xong phần điện, nước sinh hoạt thì người dân sống như thế nào? Miền núi muốn phát triển chỉ nhờ ngân sách đầu tư, chứ việc xã hội hóa rất khó, không làm được. Khi kêu gọi đầu tư thì vướng nhiều quy định, dù nhiều nhà đầu tư muốn lên cũng không lên được."

DIỄM LỆ