Thăng Bình thúc đẩy các dự án đầu tư công
Huyện Thăng Bình đang gấp rút thực hiện các công trình, dự án đầu tư công triển khai chậm so với kế hoạch năm 2022.
Chậm triển khai nhiều công trình
Do chưa triển khai nên UBND huyện Thăng Bình đã báo cáo HĐND huyện cắt khỏi kế hoạch 10 dự án không đảm bảo điều kiện khởi công năm 2022, gồm công trình điện chiếu sáng Vân Tiên (Bình Đào) - Bình Tịnh (Bình Minh); nâng cấp sân vận động huyện; mương thoát nước quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình Nguyên; Cụm công nghiệp Quý Xuân (Bình Quý); Cụm công nghiệp Bình An (Bình Định Bắc) và 5 công trình thuộc ngân sách xã Bình Quý.
Tuy vậy, vẫn còn một số công trình triển khai chậm so với kế hoạch và chậm tiến độ thi công, như khu khai thác quỹ đất Bình Quý; tuyến đường Tiểu La; tuyến nội thị đoạn từ đường 3/2 đến quốc lộ 14E; tuyến nội thị Thái Phiên… Nguyên nhân là điều chỉnh hạng mục đầu tư; vướng quy hoạch; bồi thường, giải phóng mặt bằng không đảm bảo; năng lực của chủ đầu tư yếu...
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước huyện Thăng Bình, đến ngày 31/10, tiến độ và khối lượng thực hiện dự án trên địa bàn huyện đạt thấp so với kế hoạch.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói, do UBND tỉnh ban hành điều chỉnh đơn giá nhân công và vật tư nên các chủ đầu tư phải trình phê duyệt điều chỉnh rồi mới tổ chức đấu thầu nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đến ngày 31/10, huyện đã giải ngân hơn 329,7 tỷ đồng, bằng 64,44% so với kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 511,2 tỷ đồng.
Trong năm 2022, tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho huyện Thăng Bình 100 tỷ đồng để đầu tư 3 dự án phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án động lực vùng Đông của tỉnh. Trong đó, dự án khu dân cư ven biển xã Bình Dương (giai đoạn 1) mới chỉ giải ngân được hơn 3,4 tỷ đồng (34,68%); dự án khu dân cư trung tâm xã Bình Dương (giai đoạn 2) giải ngân hơn 35,6 tỷ đồng (51,51%); dự án nghĩa trang nhân dân Nam Thăng Bình và đường dẫn (giai đoạn 1) cũng giải ngân chậm.
“Còn lại 48 tỷ đồng không đảm bảo khối lượng giải ngân năm 2022, huyện đề nghị HĐND, UBND tỉnh cho phép kéo dài sang năm 2023 thanh toán hoặc cho địa phương sử dụng để cân đối thanh toán khối lượng công trình của huyện trong năm 2022. Địa phương cam kết bố trí từ nguồn vốn ngân sách huyện năm 2023 để cân đối lại nguồn vốn tỉnh cho 3 dự án trên” - ông Võ Văn Hùng đề xuất.
Giải quyết vướng mắc
Tại buổi làm việc của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với UBND huyện Thăng Bình vào tháng 11 vừa qua, thực trạng chậm triển khai dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công được đem ra phân tích.
Theo UBND huyện Thăng Bình, đa số dự án triển khai thi công có hạng mục giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Bàn giao mặt bằng chậm dẫn đến gia hạn tiến độ thi công, dự án kéo dài ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, chậm còn do các chủ đầu tư không theo dõi kịp thời các văn bản chỉ đạo giải ngân; các ban quản lý dự án thiếu kiểm tra, đôn đốc trong công tác lập hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn.
Việc quyết toán các dự án hoàn thành trên địa bàn cơ bản đảm bảo theo quy định, tuy nhiên các công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư chậm làm thủ tục nghiệm thu để lập báo cáo quyết toán.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, UBND huyện Thăng Bình cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương, đơn vị trong triển khai các dự án.
Rất cần thực hiện tốt báo cáo về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định như báo cáo giám sát đánh giá đầu tư; tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư; nợ xây dựng cơ bản và quyết toán vốn đầu tư để kịp thời tham mưu UBND huyện hướng xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề phát sinh.
Chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công; lập thủ tục nghiệm thu và giải ngân vốn đầu tư đảm bảo kịp thời, thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công.
Ông Võ Văn Hùng cho biết, Thăng Bình đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng các tuyến giao thông ĐH, bê tông nông thôn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. UBND huyện giao Phòng Kinh tế - hạ tầng giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện, hoàn thành và giải ngân 100% vốn các công trình trong tháng 12.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm như công trình khu đô thị mới Hà Lam (giai đoạn 1); khu tái định cư Bình Dương; nghĩa trang nhân dân Nam Thăng Bình; đường nội thị Lý Tự Trọng, Thái Phiên, Tiểu La; cầu Bình Nam 1, Bình Nam 2.
“Huyện kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng vốn cho các nhà thầu, đảm bảo vốn được sử dụng đúng cho việc mua sắm vật tư, thiết bị, đáp ứng thực hiện công trình. Đồng thời áp dụng các điều khoản có bảo lãnh tạm ứng và yêu cầu nhà thầu phải sớm hoàn trả khối lượng đã tạm ứng” - ông Hùng nói.