Đưa chính sách dân tộc - miền núi vào cuộc sống
Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc và miền núi, thời gian qua, bên cạnh phối hợp điều tra, rà soát và đánh giá thực trạng đời sống người dân, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách đầu tư, hỗ trợ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, các hoạt động tuyên truyền nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ kỹ năng tiếp cận và triển khai chính sách tại cơ sở theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Điều này rất quan trọng đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện và thậm chí là cán bộ thôn - những người trực tiếp triển khai chính sách tại cộng đồng.
Theo ông Giản, xác định công tác tuyên truyền, đặc biệt là báo chí truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, giúp kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi con người..., thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh chủ động triển khai các đợt tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương, nhất là khu vực biên giới. Đồng thời phối hợp triển khai nhiều dự án truyền thông đa phương tiện với hình thức và nội dung phù hợp, trọng tâm hướng đến người hưởng lợi.
Trên cơ sở truyền thông mạnh mẽ, ông Giản hy vọng các chính sách sẽ được chia sẻ và chuyển tải sâu rộng đến cộng đồng, giúp người dân kịp thời nắm bắt và hưởng ứng.
“Từ dữ liệu quốc gia về giảm nghèo, nguyên nhân gây ra thực trạng nghèo ở nhiều địa phương vùng DTTS, thông qua các buổi tập huấn và truyền thông, chúng tôi muốn chỉ điểm thực tế tại từng địa phương. Từ đó, có hướng giải quyết và hỗ trợ phù hợp, đảm bảo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành” - ông Giản chia sẻ.
Nâng cao chất lượng các buổi tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh linh hoạt gợi mở nhiều nội dung quan trọng, sát với thực tế tại vùng DTTS và miền núi Quảng Nam. Trong đó, tập trung xoáy sâu vào thực trạng, nguyên nhân gây ra “lõi nghèo”; các biện pháp khắc phục, kinh nghiệm thực tiễn về thoát nghèo ở từng địa phương…, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
“Thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp, chúng tôi đúc kết khái quát một số nội dung trọng tâm về các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, giúp việc nắm bắt được dễ dàng, thuận lợi.
Ngoài ra, chúng tôi lồng ghép và đưa các dữ liệu so sánh về điều kiện tự nhiên, giáo dục - y tế - văn hóa, chất lượng sống giữa các vùng DTTS trên cả nước, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục trong thời gian tới” - ông Giản nói.