Nghĩa xóm làng ở kiệt Phi Anh

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 08/12/2022 05:44

(VHQN) - Kiệt Phi Anh (phố cổ Hội An) gắn bó với tuổi thơ tôi, ăm ắp nghĩa tình, mỗi lần ghé lại không khỏi bồi hồi bởi người đi kẻ ở...

Hẻm nhỏ phố Hội gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ảnh: Lê Trọng Khang
Hẻm nhỏ phố Hội gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ảnh: Lê Trọng Khang

Kiệt Phi Anh nhỏ xíu, chiều ngang chừng 2m, chiều dài chưa đến 200m, chừng 30 hộ dân sinh sống trong kiệt, nhưng lại là nơi tập trung nhiều địa chỉ nổi tiếng ở Hội An. Người cũ mấy ai quên được phở Liễu, cà phê Chanh, cà phê Dung, xưởng bánh đậu xanh bà Sáu Thạnh.

Thêm trường gà ông Hai Dinh (Vinh), nơi tập trung những tay mê đá gà, sau năm 1975 trở thành xưởng dệt vải mùng, cà rầm suốt ngày đêm. Dân trong xóm mới đầu còn chưa quen, nghe ồn không ngủ được. Riết chặp quen, hôm nào cúp điện không có tiếng máy dệt lại khó ngủ. Cái thời đó, điện đỏ hai ngày lại cúp một ngày.

Hồi đó, trong kiệt có lò võ Kỳ Sơn của thầy Đội Chưởng. Học trò các nơi về theo học rất đông. Đám trẻ trong xóm theo học cũng nhiều. Ông Đội Chưởng sống một mình trong võ đường.

Sở dĩ đám nhỏ xóm mình gọi là ông mà không gọi là thầy cũng có nguyên nhân, do lúc chưa bái sư hầu hết đứa nào cũng từng chạy qua nhà ông chơi, hoặc hái những quả ô ma vàng ươm ngọt lịm về ăn chống đói, tụi nhỏ thường gọi là ông theo thứ bậc xã hội nên sau này thành quen.

Thường ngày ông Đội Chưởng tự nấu ăn. Khi nấu cơm ông thường nấu thêm một ít gạo, ăn xong ông để luôn nồi cơm trên bếp, phòng khi học trò hoặc trẻ con trong xóm đói bụng có thể lục cơm nguội.

Không bảo nhau có sự ngầm hiểu là đứa nào phải đói chịu hết nổi mới mò vào bếp, chứ nồi cơm nhỏ xíu sao đủ cho cả đám trẻ. Tôi với Hồ Kiến Sự cũng vậy, khi đói ngất cũng mò vào nồi cơm của ông để qua bữa.

Nhớ có lần tôi lội ra xóm Trạc nhận cuộn dây thép gai về mở gai ra cho họ làm lồng gà, giỏ bội, được trả công năm đồng. Gần trưa tôi chạy xuống chợ mua cây viết và mấy cuốn vở học còn đâu được hơn hai đồng. Vừa về đến nhà, gặp Hồ Kiến Sự đi thất thểu từ trong võ đường ra. Thấy mặt mày Sự tái xanh tôi gặng hỏi có chuyện gì. Sự đáp gọn lỏn đói quá.

Bữa đó cũng xui, ông Đội Chưởng có việc đi xa đâu đó nên không nấu cơm. Sự vào bếp thấy nồi niêu trống không, biết ông không nấu cơm nên đi tìm cách khác. Vừa lúc gặp tôi đi tới, Sự hỏi mượn tiền.

Trong túi còn hai đồng tôi móc ra đưa cho bạn. Thời đó, mấy hàng cơm trong chợ bán một tô cơm không có thức ăn giá hai đồng. Nhưng mấy bà hàng cơm cũng có tình, gặp cảnh ngặt nghèo cũng thêm cho chén canh, con cá nhỏ nhỏ “cho dễ ăn”, mấy bà thường hay nói như vậy cho người ăn đỡ tủi.

Được đâu một lúc sau, lại thấy Sự thất thểu đi về, tôi hoảng hồn hỏi Sự đã ăn cơm chưa. Ổng ngồi phệt xuống hiên trả lời chưa. Bởi đi đến đầu chợ thấy ông ăn mày ngồi xin tiền, Sự thương quá liền móc tiền ra cho biết.

Bí quá, cả hai đi vào nhà chị Em bán xôi đậu đen, chị cũng vừa về đến nhà nên chưa rửa nồi xôi. Sự cắm cúi cạy cục một lúc cũng được nắm xôi đậu đen cháy khê, nhỏ bằng nắm tay ăn đỡ qua đận.

Vật đổi sao dời. Hầu hết gia đình ngày xưa sống trong kiệt Phi Anh lần lượt dời đi nơi khác, trong kiệt bây giờ chỉ vài gia đình còn ở lại. Người khác lại đến sống, lại có những thế hệ mới sinh ra và lớn lên trong kiệt. Thỉnh thoảng, trở về con kiệt cũ, cảnh xưa còn đó, người cũ vắng xa, chợt thấy bùi ngùi nhớ về một thời sống trong con kiệt nhỏ đầy ắp nghĩa tình.

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ