Chậm giải ngân vốn đầu tư
(QNO) - Báo cáo thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh sáng nay 7/12, Ban Kinh tế - ngân sách và Ban Dân tộc HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh; đồng thời đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và kiến nghị nhiều giải pháp.
Giải ngân vốn đầu tư chậm
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư được tập trung chỉ đạo quyết liệt; tuy nhiên tình trạng chậm thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư chưa được khắc phục, còn một số dự án khởi công mới của năm 2022 đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn trong kế hoạch năm 2022.
“Tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân tương đối thấp. Tính đến 23/11/2022, kế hoạch vốn giải ngân là 4.221 tỷ đồng, đạt 51,5% kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 67,3% kế hoạch vốn giao từ đầu năm. Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, tính đến 25/11/2022 có 86 dự án sử dụng ngân sách tỉnh có tỷ lệ giải ngân dưới 50% (trong đó, có 32 dự án có tỷ lệ giải ngân 0%). Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ là 387,973 tỷ đồng. Đáng quan tâm, nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt tỷ lệ thấp, nhất là nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới giải ngân, gây áp lực rất lớn trong việc giải ngân hết nguồn vốn này trong năm 2023” - ông Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức, nguồn vốn đầu tư kéo dài từ năm 2021 chuyển sang 2022 đến 25/11/2022 chưa giải ngân còn 316 tỷ đồng (số tiền đã giải ngân là 256 tỷ đồng, đạt 45%). Đối với nợ khối lượng hoàn thành, mặc dù UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên đến hết quý III/2022, nợ khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn là 1.079,3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 19,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 521 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã 504,1 tỷ đồng, nguồn khác 35,1 tỷ đồng. Đáng lưu tâm, một số doanh nghiệp nhà thầu chưa được giải ngân thanh toán vốn đầu tư công, dẫn đến khó khăn nộp thuế, nợ thuế (còn khoanh nợ 106 tỷ đồng).
Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng lưu ý tiến độ thực hiện một số công trình, dự án còn chậm, nhất là công trình khắc phục hậu quả sau thiên tai; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tình trạng nợ xây dựng cơ bản một số địa phương vẫn còn lớn. Riêng đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, một số nơi khi triển khai thực hiện còn bị động, lúng túng; tỷ lệ giải ngân vốn đạt rất thấp.
Nguyên nhân, theo ông Hươm là do tiến độ giao vốn, phân bổ vốn và thực hiện các thủ tục đầu tư còn chậm; văn bản hướng dẫn của bộ ngành, cơ quan chuyên môn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, nhất là chưa ban hành hướng dẫn cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, cơ chế huy động nguồn lực thực hiện và tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Khả năng đóng góp ngân sách của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ, tăng 1,4 lần so với 2019. Trong đó, thu nội địa 25.210 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán, tăng 28,8% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu 6.934 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán, tăng 106% so với cùng kỳ.
Thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu ngân sách năm 2022, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh và cho rằng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, đặc biệt công nghiệp hỗ trợ, cơ khí ô tô của Tập đoàn Trường Hải hoạt động hiệu quả, đã đóng góp lớn vào tăng thu ngân sách của tỉnh, ước đạt 15.750/25.210 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 62,47% tổng thu nội địa.
Trong khi đó, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, đến nay có 231 dự án đầu tư tại các khu công nghiệp và 370 dự án đăng ký đầu tư, 188 dự án đầu tư, hoạt động sản xuất tại 51 cụm công nghiệp, nhưng năng lực hoạt động, khả năng đóng góp vào ngân sách của những dự án này chưa đạt như mong muốn.
Ban Kinh tế - ngân sách nêu thêm, tình hình triển khai một số dự án đầu tư (thương mại dịch vụ, sản xuất, nhà ở, khu đô thị) còn chậm, nhiều dự án phải gia hạn, điều chỉnh tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện. Một số dự án triển khai quá thời gian quy định nhưng xử lý, thu hồi còn gặp khó khăn, vướng mắc; một số dự án chậm nộp tiền sử dụng đất; tiến độ lập phương án, thẩm định, phê duyệt giá đất một số dự án trong năm còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách một số địa phương.
“Vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo… cùng với tập trung hỗ trợ chuyển đổi, mở rộng thu hút đầu tư một số ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh có giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị, phát huy nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp” - ông Đức đề nghị.