Vùng hoa màu Đại Lộc thiệt hại nặng nề do mưa lũ

TRIÊU NHAN 06/12/2022 14:26

(QNO) - Mấy ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến mực nước các sông Vu Gia dâng cao, gây ngập úng hơn 400ha hoa màu ven sông khiến nông dân trắng tay. 

Vùng sản xuất rau màu vụ Đông xuân của xã Đại Nghĩa xuống giống chỉ hơn 1 tháng đã bị ngập sâu trong mưa lũ. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Vùng sản xuất rau màu vụ Đông xuân của xã Đại Nghĩa xuống giống chỉ hơn 1 tháng đã bị ngập sâu trong mưa lũ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Từ ngày 2.12 đến nay, tại nhiều vùng quê của huyện Đại Lộc, mưa lớn như trút nước kéo dài khiến nhiều người dân canh tác hoa màu ven sông Vu Gia đứng ngồi không yên.

Ông Phạm Văn Lan (thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa) rầu rĩ: "Tôi chỉ mới cày được 3 sào đất, chưa kịp xuống giống thì nay nước lũ đổ về ồ ạt gây ngập hết, đất cày lên rảnh, lên luống bị rửa trôi, bạc màu. Nước lớn quá nhanh trong đêm, toàn bộ lưới, ngư cụ làm kế sinh nhai của gia đình đã bị trôi sạch” - ông Lan nói. 

Vùng hoa màu lên xanh đã bị “xóa sổ“. Ảnh: H.LIÊN
Vùng hoa màu lên xanh đã bị “xóa sổ“. Ảnh: H.LIÊN
Anh Đỗ Văn Nam, người dân thôn Phiếm Ái 2 thuê cả mẫu đất trồng ớt, đậu cô ve, đậu phụng nhưng toàn bộ diện tích xuống giống đã mất trắng, chìm trong nước. 

“Mỗi sào đất xuống giống tốn chi phí cả triệu đồng, chưa kể tiền nhân công, máy cày. Tiền giống đậu phụng, đậu cô ve năm nay đắt đỏ, giá giống tăng gấp đôi so với mọi năm” - một người dân Phiếm Ái 2 nói. 

Nhiều người dân thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa còn lo ngại sau đợt ngập nặng nề này, đất bị xói lở, rửa trôi, giảm độ màu mỡ.

Vùng trồng cây màu biến thành sông. Ảnh:  HOÀNG LIÊN
Vùng hoa màu vừa xuống giống đã biến thành sông. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Trương Ớ - Trưởng thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa chia sẻ, toàn thôn có 160ha đất màu, đợt này, có hơn 90% diện tích hoa màu của thôn bị thiệt hại hoàn toàn, chỉ trừ một số khu vực cao ráo. Số diện tích hoa màu bà con đã xuống giống xong giờ đã ngập trắng, chết sạch.

"Ngay từ đầu vụ, hạt giống, cây giống hoa màu đã khan giống, giá các loại giống ớt, giống đậu phụng và cô ve rất đắt đỏ, mỗi bao phân giá cũng gần 2 triệu đồng. Giờ nhiều diện tích chết sạch, nếu gieo trở lại thì cũng đã trễ vụ. Không chỉ thiệt hại hoa màu, ngay 3 chiếc ghe của dân làng chài và lưới, ngư cụ đánh bắt trên sông cũng bị nước cuốn sạch" - ông Ớ nói.

Cũng theo ông Ớ, với mức thiệt hại nghiêm trọng 100% diện tích, mỗi sào đất màu chỉ được hỗ trợ 100.000 đồng theo quy định, song trên thực tế, số tiền này chỉ đủ chi phí thuê nhân công nửa ngày trời trồng cây giống xuống đất, trong khi xuống giống mỗi sào đất trồng cây màu tổng chi phí lên tới 1,5-2 triệu đồng nên khó khăn của nông dân càng chồng chất. 

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, vụ Đông xuân 2022-2023, do ảnh hưởng bởi mưa lớn mà có tới hơn 1/3 diện tích trồng cây màu của xã bị ngập úng, gây mất trắng toàn bộ.

“Ngày 3.12, nhiều nơi vẫn còn bị ngập sâu, nhiều chân ruộng bị ngập tới 2-3m. Từ ngày 4.12, khi nước rút, công tác thống kê mới xong. Địa phương đã báo cáo huyện về mức thiệt hại nặng nề và đề xuất phương án hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra” - ông Vĩnh nói.  

Tại xã Đại Hồng, theo ông Từ Thanh Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã, vụ Đông xuân 2022-2023, nhân dân xã Đại Hồng xuống giống cây màu với các giống chủ lực như đậu cô ve, đậu phụng, bắp ở vùng bãi biền ven sông. Ước tính, diện tích bị thiệt hại chừng 30% tổng diện tích. 

Còn theo bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh thì diện tích đất màu ven sông Vu Gia bị thiệt hại chừng 30-40% tổng diện tích của xã. Vùng bị nặng nhất tập trung ở các thôn Hà Dục Đông, Hà Dục Tây, Hà Dục Bắc… Có 80% diện tích của hơn 200ha vùng trồng hoa màu đã được xuống giống, số bị thiệt hại lên tới 30% tổng diện tích.

Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc, toàn huyện có hơn 400ha hoa màu bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ. Địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Đại Thắng 111ha; xã Đại Nghĩa 58ha, Đại An là 42,5ha, Đại Lãnh hơn 32ha, Đại Hưng 27ha...

Phòng đã thống kê và đề xuất cấp trên phương án hỗ trợ người dân vùng sản xuất bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai phương án khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của thiên tai, chỉ đạo nhân dân xuống giống lại vụ mùa khi thời tiết nắng ráo, ổn định sản xuất.

TRIÊU NHAN