Linh hoạt giải pháp tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19
(QNO) - Để nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu ở cơ sở để phân bổ vắc xin và triển khai các giải pháp tiêm phù hợp với thực tiễn.
Những cách làm hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, tại địa phương, đối với người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ hoàn thành mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 đạt hơn 64%, mũi 3 đạt hơn 84%. Độ tuổi từ 12 đến dưới 18, tỷ lệ mũi 3 đạt hơn 88,5%, mũi 2 đạt hơn 91,5%. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ mũi 2 đạt hơn 56%, mũi 1 đạt hơn 94,4%.
Theo ông Lượm, thực hiện các đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19, thời gian qua cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện đã gương mẫu thực hiện. Cán bộ y tế xã đến từng khu dân cư vận động tuyên truyền, phát huy vai trò người có uy tín trong việc nâng cao nhận thức người dân về tiêm vắc xin. Ban giám hiệu các trường học cũng phối hợp phụ huynh vận động con em tham gia tiêm chủng.
“Dù thời tiết mưa gió, đi lại khó khăn nhưng cán bộ y tế của huyện đã nỗ lực đến từng khu dân cư, trường học để tiêm vắc xin. Nhờ đó, trong đợt vắc xin 40, 42 do Sở Y tế phân bổ, Tây Giang đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở các chiến dịch nhằm nâng tỷ lệ tiêm vắc xin theo yêu cầu của UBND tỉnh” - ông Lượm cho biết.
Tại Nam Giang, theo ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện, ban ngày phần lớn người dân đi làm nương rẫy vắng nhà nên ngành y tế huyện thành lập các tổ tuyên truyền lưu động và triển khai tiêm vắc xin vào ban đêm tại các thôn. Khi tiếp nhận vắc xin, ngành y tế nắm số lượng, nhu cầu các địa phương để phân bổ phù hợp; đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình tiêm ở các xã, thị trấn để chỉ đạo, đôn đốc kịp thời.
Còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, do không có biện pháp xử lý nên người dân và học sinh không chấp hành và tham gia đầy đủ các đợt tiêm vắc xin. Đối với doanh nghiệp chỉ có thể vận động, nếu áp dụng biện pháp bắt buộc tiêm vắc xin thì công nhân sẽ nghỉ việc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, người dân trên địa bàn đi làm ăn ở nhiều nơi nên việc tuyên truyền vận động tiêm vắc xin gặp khó. Đáng chú ý, vừa qua sốt siêu vi, sốt xuất huyết xuất hiện nhiều nơi nên người dân có tâm lý e ngại khi tiêm vắc xin, nhất là 2 đợt vắc xin 40, 42.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, từ đợt 32 đến nay, số lượng vắc xin phân bổ lớn, trong khi nhu cầu từng đợt không giống nhau dẫn đến lượng người tiêm ít. Ngoài ra, việc phân bổ vắc xin gấp và thực hiện tiêm chỉ trong 1 tuần cũng là một trở ngại trong công tác vận động tuyên truyền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Sở Y tế thường xuyên nắm bắt tình hình tiêm vắc xin ở các địa phương và lên phương án điều chuyển nếu địa phương nào có lượng tồn vắc xin cao. Địa phương nào hoàn thành lượng vắc xin đã phân bổ cần phối hợp ngành y tế tỉnh để tiếp tục nhận vắc xin, đảm bảo không để vắc xin tồn đọng, phải tiêu hủy gây thất thoát ngân sách.
Đối với khối giáo dục nghề nghiệp, ngành du lịch, ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tăng cường kiểm tra đơn vị, doanh nghiệp và có biện pháp vận động, triển khai tiêm vắc xin linh hoạt để mọi người đồng thuận.
Quảng Nam hoàn thành tiêm chủng đợt 40 và 42
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, trước tình hình 2 đợt vắc xin 40, 42 do Trung ương phân bổ cho Quảng Nam còn tồn hơn 39 nghìn liều, ngày 29/11 UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cùng vào cuộc để công tác tiêm vắc xin được triển khai đồng loạt, nhất là ở địa phương có số lượng vắc xin tồn cao. Nhờ đó, kết thúc ngày 30/11, Quảng Nam đã hoàn thành tiêm đợt vắc xin 40, 42 và không phải tiêu hủy bất cứ liều nào.