Hạ tầng đô thị, nhìn từ... hẻm
(VHQN) - Căn nhà của anh Trần Quốc Huy (khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh) không còn ngập trong đợt mưa lớn vừa qua tại TP.Tam Kỳ, dù nước vẫn còn xâm xấp mặt con hẻm nhỏ cắt từ đường Phan Bội Châu sang phía Bạch Đằng. Đó là kết quả đáng mừng của việc cải tạo hạ tầng thoát nước.
Hơn một tháng, con hẻm bị xới tung để lắp đặt hệ thống thoát nước ngầm. Cư dân không lấy làm phiền hà mà trái lại, họ rất mừng vì chuyện ngập úng được “để mắt tới” cho một khu dân cư trong hẻm. Khối phố Mỹ Thạch Đông có khá đông dân cư sống trong hẻm nhỏ. Việc đô thị hóa khiến đất đai thu hẹp nhanh, hạ tầng không đáp ứng kịp và ít nhiều hệ lụy đã xảy ra, mà ngập lụt là tình trạng phổ biến nhất.
Thành phố từng có chủ trương di dời, chỉnh trang, sắp xếp dân cư tại chỗ đối với khu vực này nhưng trước áp lực quá lớn về giải tỏa bồi thường, câu chuyện dường như đã dừng lại. Cư dân vẫn phải sống trong hiện trạng cũ kỹ của hạ tầng hẻm. Nhu cầu nâng cấp, đầu tư hạ tầng luôn hiện hữu.
Trong đánh giá chung, các đô thị trên địa bàn tỉnh hầu hết còn khá “trẻ” và mức phát triển khá khiêm tốn. Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng nhận định hiện hạ tầng đô thị, mức độ liên kết cũng như các tiện ích đô thị... vẫn đang trên lộ trình hoàn thiện và chưa thực sự tạo lập được bản sắc. Hoàn thiện hạ tầng gặp nhiều áp lực ở một số đô thị, nhất là khi quá trình phát triển của đô thị thời điểm ban đầu gắn với chức năng hành chính hơn là bám vào các trục phát triển, do đó hạ tầng xã hội chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa.
Câu chuyện vĩ mô đó phần nào tác động đến đời sống, diện mạo của cư dân sống trong những con hẻm. Tại TP.Tam Kỳ, vẫn còn nhiều con hẻm khá chật chội, quanh co, hạ tầng xử lý thoát nước thải, rác thải... chưa được tính toán kỹ, nhiều khối phố ngập úng cục bộ trở thành vấn nạn dai dẳng cho cư dân mỗi mùa mưa lũ.
Dù chưa được đề cập nhiều trong chương trình phát triển đô thị, nhưng từ câu chuyện đời sống của chính cư dân, nhu cầu nâng cấp, đầu tư cho hạ tầng hẻm vẫn tồn tại đầy bức thiết. Sự cộng hưởng từ phía chính quyền lẫn người dân tạo ra động lực mới, sinh khí mới cho hẻm.
Tại khối phố Xuân Bắc (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ), hàng chục hộ dân tình nguyện hiến hơn 4.000m2 đất, tình nguyện dỡ bỏ hàng rào, lùi lại nhường đất để chỉnh trang cho hẻm. Từ một con hẻm nhỏ chật chội, đường sá xuống cấp, hạ tầng thiếu khớp nối, sự đồng thuận của người dân cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã tạo điều kiện để chỉnh trang. Hẻm trở thành đường nhựa, có vỉa hè. Nhà cửa của cư dân cũng khang trang hơn hẳn. Không chỉ đổi thay về diện mạo, mà chất lượng đời sống thị dân cũng dần được nâng lên, ngay từ con hẻm nhà mình.
Cư dân hẻm phố có quyền chờ đợi và hy vọng những nguồn lực đầu tư cho hẻm, để thị dân được hưởng những quyền lợi cơ bản nhất, bắt đầu từ tiện ích cuộc sống.