Thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (khóa XXII): Nhận diện những hạn chế
(QNO) - Với kết quả thực hiện đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu năm 2022, các ý kiến thảo luận tổ tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (khóa XXII) cho rằng đây là bước tạo đà quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, dự định trong giai đoạn phát triển mới của Quảng Nam. Song, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận và mổ xẻ các mặt còn tồn tại, hạn chế như báo cáo đánh giá trình hội nghị.
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mặt công tác năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu 4 vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư hiệu quả chưa cao, thủ tục hành chính còn rườm rà; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và một số chỉ số khác tụt hạng so với năm 2020…
Phải số hóa cơ sở dữ liệu đất đai
Liên quan đến vấn đề giải ngân, theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để Quảng Nam thực hiện các mục tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công 5 năm trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, thủ tục thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để tăng giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng ngay từ đầu năm 2022.
Đồng thời, kịp thời, chủ động điều hành, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước theo đúng các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.
UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo việc chủ động rà soát, điều chuyển (cắt giảm, bổ sung) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân hết, dự án đang vướng về thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu và khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn bổ sung.
[VIDEO] - Vấn đề về đầu tư công và giải ngân vốn được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang thông tin tại hội nghị:
Theo đó, tính đến ngày 15/11/2022, đã thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 hơn 848,9 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương hơn 437,9 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 411 tỷ đồng đảm theo thời gian quy định trước ngày 15/11 hằng năm.
Báo cáo cho biết, tính đến hết ngày 23/11/2022, tổng vốn đầu tư công năm 2022 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân hơn 4.221 tỷ đồng, đạt 67,3% so với kế hoạch vốn từ đầu năm, đạt 51,5% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh và đạt 54% so với kế hoạch vốn đã phân bổ. Dự kiến đến ngày 31/12/2022, tổng vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân 5.767,6 tỷ đồng, đạt 91,9% so với kế hoạch vốn giao từ đầu năm, đạt 70,3% so với kế hoạch vốn sau khi bổ sung.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, quyết liệt với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chỉ thị chỉ đạo, các cấp ngành, địa phương đã vào cuộc nhưng tỷ lệ giải ngân ở nhiều địa phương vẫn còn chậm.
Phân tích về các nguyên nhân, ông Úc cho rằng, giải pháp năm 2023 cần tiếp tục nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Nhiệm vụ chuyển đổi số cần lựa chọn các nội dung mang tính đột phá, nhất là ưu tiên số hóa cơ sở dữ liệu đất đai tạo sự đồng bộ, thống nhất. Có như vậy, mới giải quyết được những khó khăn liên quan đến nguồn lực đất đai, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian tới.
[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phân tích hiệu quả sự vào cuộc đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong giải quyết vấn đề nóng, cấp bách:
Điều hành thảo luận tại tổ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, chuyển đổi số có nhiều nội dung, nhưng lớn nhất, khó nhất và quan trọng nhất là số hóa cơ sở dữ liệu đất đai. Yêu cầu trước hết cơ sở dữ liệu đất đai phải được đồng bộ, thống nhất.
Thống nhất với ý kiến thảo luận của ông Trần Úc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, sẽ giao nhiệm vụ cho Sở TN-MT tham mưu thực hiện một chiến dịch về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa cơ sở dữ liệu này. “Không làm được việc này thì việc triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới sẽ gặp vướng. Các dự án động lực vùng Đông sẽ không làm gì được, bị chậm” - ông Thanh nói.
Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI
Cũng như nhiều ý kiến đánh giá, ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, năm 2022, Tỉnh ủy đề ra chủ đề “Kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” và đã đạt được nhiều thành quả. Quảng Nam thực hiện đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu, trong đó, có 7 chỉ tiêu vượt.
“Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng trong năm 2022; để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, cũng như sự ghi nhận của Quốc hội, Chính phủ và các tỉnh thành đối với Quảng Nam. Nhất là về tốc độ tăng trưởng kinh tế” - ông Sáng nhìn nhận.
Cơ bản thống nhất với chủ đề “Tập trung phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra tại hội nghị lần này, ông Sáng cũng đề xuất, Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Một vài năm nay Quảng Nam bị tụt hạng như báo cáo đã nêu.
[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thông tin về công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh:
Chia sẻ các giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số PCI gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói cần đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng kế hoạch chuẩn hóa, số hóa cơ sở dữ liệu trên tất cả lĩnh vực quản lý của Nhà nước để phục vụ kịp thời công tác quản lý, thống kê, báo cáo khi được yêu cầu. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ tốt hơn công tác tham mưu và giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo đồng chí Lê Trí Thanh, PCI được xem là công cụ để các nhà đầu tư tham khảo và đưa ra quyết định đầu tư. Vì vậy, để cải thiện chỉ số PCI gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được hiệu quả thì không còn cách nào khác là mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải tự nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó chủ động đưa ra các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.