"Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!"

LÊ QUÂN - ÁNH MINH 02/12/2022 08:58

Với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”, Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) năm 2022 tiếp tục kêu gọi nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS.

Điều trị cai nghiện bằng ARV để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ảnh: L.Q
Điều trị cai nghiện bằng ARV để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ảnh: L.Q

Trong Ngày thế giới phòng chống AIDS hôm qua (1/12), nhiều địa phương của Quảng Nam tổ chức các hoạt động mít tinh hưởng ứng chiến dịch.

Người nhiễm HIV đang trẻ hóa nhanh

Số liệu từ Bộ Y tế, năm 2022, có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam. Hiện có những địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Cũng trong năm này, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và 30 - 39 (28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).

HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12%. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây.

Về kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15 - 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%.

Ngay cả với thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu chung đã đặt ra là 80% ở cả hai chỉ số trên.

Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15 - 24 có nhiều hơn 1 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Tại Quảng Nam, ông Đỗ Trường Lưu - Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 513 người nhiễm HIV, trong đó 461 người đang điều trị ARV.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng của Quảng Nam dưới 0,1% dân số (cả nước là 0,3%), trong đó nam giới vẫn chiếm đa số với 65%; tuy nhiên, xu hướng nữ giới nhiễm HIV ngày càng tăng dần trong thời gian gần đây. Các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu nằm trong độ tuổi 20 - 39 tuổi (hơn 82%), số mắc mới có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục và nhóm MSM có xu hướng gia tăng.

 Nâng cao nhận thức trong thanh niên

Nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên được đặt ra trước bối cảnh trẻ hóa người mắc HIV/AIDS. Cần có sự góp sức của đoàn thanh niên các cấp trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị mình là điều được Bộ Y tế yêu cầu.

Theo đó, đối với thanh niên là học sinh, sinh viên, cần tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ... thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm HIV mới và tử vong liên quan bệnh AIDS, góp phần giảm dần và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trên địa bàn tỉnh trước năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch bệnh HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể như mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh HIV/AIDS ở nhóm có hành vi nguy cơ cao...

LÊ QUÂN - ÁNH MINH