Cổng Trời Đông Giang được trao kỷ lục có nhiều thác nước tự nhiên nhất Việt Nam

CÔNG TÚ 29/11/2022 10:18

(QNO) - Tối 28/11, tại TP.Đà Nẵng, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam “Khu du lịch sinh thái có nhiều thác nước tự nhiên nhất Việt Nam” đối với Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (huyện Đông Giang).

Trao bằng công nhận kỷ lục “Khu du lịch sinh thái có nhiều thác nước tự nhiên nhất Việt Nam”. Ảnh: FVG
Trao bằng xác lập kỷ lục “Khu du lịch sinh thái có nhiều thác nước tự nhiên nhất Việt Nam” cho đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Ảnh: FVG

Bắt nguồn từ dãy đại ngàn Trường Sơn, hệ thống thác nước được hình thành tự nhiên gồm 25 thác có kích thước lớn nhỏ với nhiều hình dáng, độ dài khác nhau, tạo nên những dòng chảy len lỏi qua khe sâu, vách đá trải dài 5km trong quần thể khu du lịch.

Sau 7 tháng đưa vào hoạt động khai thác, Cổng Trời Đông Giang đã thu hút hơn 35 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bao quanh hệ thống thác suối là hệ sinh thái rừng hơn 120ha gồm thảm thực vật đa dạng, phong phú được bảo vệ gần như nguyên vẹn làm cho bức tranh thiên nhiên Cổng Trời Đông Giang thêm hoang sơ, hùng vĩ.

Mỗi thác mang vẻ đẹp riêng, trong đó nhiều thác suối đẹp như thác 1, cách cổng vào khu du lịch tầm 1km. Vào mùa hè, khu vực này sẽ có nhiều cây trang rừng nở rực soi bóng. Các thác 4, 5 có độ dốc lớn, còn thác 3 cũng rất độc đáo khi dòng chảy được chia thành hai tạo nên hình vòng cung tuyệt đẹp. 

Đây là một trong những hệ thống thác nước độc đáo từ tên gọi khi qua mỗi tầng thác, được đồng bào Cơ Tu đánh theo số thứ tự và đặt theo tên gọi thân thương gắn liền với bản địa như A Tút (họ cây đuốc), Ba bê, A Liêng (lõi gỗ), Tơ rang bhót (nơi khỉ ở), Trakir (trái trám hồng), Cruôl (chuối rừng)... Với người dân địa phương, mỗi thác đều chứa đựng một câu chuyện riêng thú vị gắn liền với đời sống văn hóa bản địa.

Du khách khám phá một trong những thác nước trong “Cổng Trời Đông Giang“. Ảnh: FVG
Du khách khám phá một trong những thác nước trong Cổng Trời Đông Giang. Ảnh: FVG

Việc xác lập và ghi nhận hệ thống thác suối trong quần thể Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã góp phần tôn vinh, giới thiệu và quảng bá thêm điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần làm phong phú các chuỗi hoạt động Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, đó là nền tảng để phát triển du lịch xanh bền vững.

Đây cũng chính là các giá trị cốt lõi mà Tập đoàn FVG (chủ đầu tư khu du lịch) đang hướng đến trong định hướng xây dựng và phát triển Cổng Trời Đông Giang theo 4 tiêu chí: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, tâm linh và văn hoá bản địa.

Bà Võ Ngọc Anh - Giám đốc FVG Travel, đại diện Cổng Trời Đông Giang cho biết, với tiềm năng hệ thống thác nước lý tưởng sẽ là một trong những điểm nổi bật thu hút du khách khám phá, trải nghiệm. Đến nay, khu du lịch đã triển khai đường sinh thái ngắm thác dựa trên cảnh quan vốn có để du khách trải nghiệm đa dạng các sản phẩm du lịch xanh với nhiều hoạt động gắn liền với hệ thống thác suối như tắm suối, trượt máng, nhảy cầu, hay massage lưng trên các mỏm đá tự nhiên…

Trong thời gian đến, khu du lịch sẽ tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm gần gũi và đặc trưng gắn liền với cảnh quan thác suối nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khách tham quan nghỉ dưỡng, hướng đến là điểm đến lý tưởng của du khách.          

FVG Travel kỳ vọng sẽ tạo thêm một điểm đến kết nối trong hành trình di sản, hình thành tam giác về lịch sử - văn hóa - kiến trúc: Hội An - Mỹ Sơn - Cổng Trời Đông Giang, góp phần định hình lại không gian, sản phẩm du lịch Quảng Nam, nối dài một chặng hành trình di sản từ đông sang tây của Quảng Nam.

Đến nay, sau 7 tháng đưa vào hoạt động khai thác, Cổng Trời Đông Giang đã thu hút hơn 35 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây là con số ấn tượng cho một điểm đến mới khi chính thức mở cửa vào thời điểm sau đại dịch COVID-19, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và khát vọng lớn của FVG Travel trong việc phát triển tiềm năng du lịch, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương và phát triển du lịch miền núi Quảng Nam.

CÔNG TÚ