Mong ước một cây cầu

KHẢI KHIÊM 28/11/2022 08:27

Cầu Sông Vầu trên tuyến ĐH1.ĐG nối xã Ba với xã Tư của huyện Đông Giang bị sụt lún, hư hỏng, mất an toàn. Người dân mong ước cầu mới sớm được xây dựng để phá thế cô lập, đưa lưu thông trở lại bình thường.

Huyện Đôngh Giang đang khẩn trương làm đường tạm bằng ngầm rọ đá để tạm thời cho ô tô con trở xuống đi qua. Ảnh: KK
Huyện Đông Giang đang khẩn trương làm đường tạm bằng ngầm rọ đá để tạm thời cho ô tô con trở xuống đi qua. Ảnh: KK

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, vào ngày 1/11/2022, mưa lũ đã khiến cầu Sông Vầu bị xói sâu, nguy cơ sụp đổ. Địa phương đã rào chắn, chốt chặn không cho lưu thông qua cầu. Sự cố nêu trên khiến việc đi lại của hơn 2.000 người dân của thôn Quyết Thắng (xã Ba) và toàn bộ thôn của xã Tư bị chia cắt với trung tâm xã Ba và trung tâm huyện.

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho biết, huyện đã trích ngân sách để làm đường tạm bằng ngầm rọ đá, công việc đang khẩn trương tiến hành và dự kiến tuần này sẽ hoàn thành để người đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô con đi qua.

Trong khi chờ xây dựng cầu mới, ô tô tải trọng lớn phải đi vòng qua con đường đất xa hơn khoảng 7km so với đi trên ĐH1.ĐG. Cầu Sông Vầu nằm trên tuyến đường huyết mạch nối xã Tư đi xã Ba, quốc lộ 14G và trung tâm Đông Giang, hằng ngày lượng người, phương tiện qua lại rất nhiều.

Nhà ở thôn Quyết Thắng (xã Ba), Nguyễn Thị Thùy Linh - học sinh lớp 12 Trường THPT Âu Cơ cho biết, em phải lội bộ qua lòng sông cạn xa gần 1km qua bờ nam để đến trường. Những ngày qua, trẻ em không có người lớn cõng lội qua sông thì phải bỏ học.

Cầu Sông Vầu hư hỏng nặng, bị võng nhịp mất an toàn. Ảnh: CT
Cầu Sông Vầu hư hỏng nặng, bị võng nhịp mất an toàn. Ảnh: CT

Ông Lê Duy Trường (trú thôn Panan, xã Tư) chia sẻ, cầu bị sự cố khiến đi lại của người dân rất khó khăn, nếu không lội bộ thì phải đi vòng xa hơn 7km, nhưng gặp trời mưa thì đành chịu vì đường đất lầy lội, lún sâu.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Tư nói, cầu Sông Vầu là tuyến lưu thông của hơn 1.600 người dân địa phương. Việc vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm và các loại nông sản hàng hóa, cây keo đều phải qua cây cầu này. Chính vì vậy, nguyện vọng tha thiết của nhân dân là tỉnh quan tâm, sớm bố trí nguồn lực hỗ trợ để Đông Giang xây dựng cầu mới.

Sau khi xảy ra sự cố, đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và kết luận cầu cũ không thể khôi phục bởi sụt lún nặng, cầu có tải trọng thấp, khu vực cầu bị thắt hẹp dòng chảy và sẽ tiếp tục bị xói sâu. Do vậy, cần thiết xây dựng cầu mới đảm bảo an toàn và đáp ứng tải trọng xe lưu thông.

Báo cáo gửi UBND tỉnh, đoàn công tác đề xuất xem xét đưa vào danh mục công trình khẩn cấp để sớm được đầu tư; giao huyện Đông Giang lập phương án xây dựng, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt nhằm sớm hoàn thiện các thủ tục để đầu tư xây dựng.

KHẢI KHIÊM