Phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai

HÀN GIANG 28/11/2022 08:22

Nhằm đưa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đi vào thực tiễn, Tỉnh ủy (khóa XXII) nêu rõ nhóm nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi, tìm hiểu vướng mắc với đại diện người mua đất nền dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) của chủ đầu tư Công ty CP Bách Đạt An. Ảnh: N.Đ
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi, tìm hiểu vướng mắc với đại diện người mua đất nền dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) của chủ đầu tư Công ty CP Bách Đạt An. Ảnh: N.Đ

Tạo lập hành lang pháp lý

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương số 18 (khóa XIII) của Tỉnh ủy (khóa XXII) thống nhất quan điểm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền quy định, cùng với hệ thống pháp luật của Nhà nước tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định và thống nhất trong hoạt động quản lý điều hành Nhà nước liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh.

Phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, hạn chế vi phạm pháp luật về đất đai, giảm thiểu các khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, tình trạng đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể hóa quan điểm trên, Tỉnh ủy xác định tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý đất đai để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh cho phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC), thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC được phê duyệt.

Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí TĐC thì phải hoàn thành bố trí TĐC trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, TĐC để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Tiếp tục hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh…

Cùng với đó, tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Tăng cường trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong xây dựng bảng giá đất thời kỳ. HĐND cấp tỉnh quyết định và giám sát việc thực hiện giá đất.

Hài hòa lợi ích

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến thảo luận, góp ý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Liên hệ đến thực tiễn bố trí TĐC khi Nhà nước thu hồi đất tại Quảng Nam những năm qua, khi tham gia thảo luận nội dung này, Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy nói, có những trường hợp thu hồi đất 5 - 7 năm sau chưa bố trí TĐC, quỹ đất TĐC chưa có, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Vì vậy, ông Bình đề nghị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bám sát quan điểm xuyên suốt là nơi ở mới của người bị thu hồi đất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và phải thể chế thật kỹ vấn đề này. Theo đó, pháp luật về đất đai lần này cần quy định rõ nguyên tắc phải có nơi TĐC trước -nghĩa là đưa vào trong quy định Luật Đất đai (sửa đổi) như một điều cấm - nếu chưa bố trí TĐC thì dứt khoát không được thu hồi đất.

Cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, trong thực tiễn việc quy định định giá đất phù hợp với giá thị trường là vấn đề rất khó. Ông Bình đề nghị luật cần phải quy định, thể chế thật kỹ về tiêu chí, các điều kiện, căn cứ về pháp lý, căn cứ vào thực tiễn, những cơ sở để tham khảo, hội đồng định giá với các thành phần như thế nào để đảm bảo định giá đất sát với giá thị trường.

Sắp tới chúng ta bỏ khung giá đất và định giá hàng năm, mà đã nói giá thị trường thì sẽ có lúc lên và lúc xuống, đó là nguyên tắc thị trường. Bấy lâu nay chúng ta định giá đất cụ thể thường năm sau cao hơn năm trước.

Các địa bàn khác như thế nào không biết, còn riêng Quảng Nam giá đất ở giai đoạn năm 2017 - 2018 lên rất cao, nhưng từ năm 2019 - 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh và nhiều lý do khác nên giá đất tụt xuống.

“Như vậy, chúng ta định giá đất như thế nào? Nếu năm sau định giá cao hơn năm trước thì không thể sát với giá thị trường. Ở đây tôi đề nghị phải xác định rất cụ thể trong dự án luật lần này và giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Bởi vì thực tiễn đã chứng minh một điều, tâm lý của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, áp giá bồi thường thì luôn mong muốn được áp giá cao, nhưng khi nộp tiền sử dụng đất thì lại muốn nộp tiền với giá thấp. Đó là tâm lý chung, chúng ta phải định giá thế nào để hài hòa vấn đề này. Cần phải đánh giá thật kỹ để tránh những khiếu kiện, khiếu nại rất phức tạp” - ông Bình nói.

HÀN GIANG