Phú Tài - một vạn chài ở xứ Quảng xưa
Đã có nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến Phú Tài là một “man sách” trong sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” và liên hệ nó với các di tích Chăm trong vùng. Trên thực tế, đó là vạn chài khá lâu đời ở đất Quảng xưa.
Phú Tài không phải là một “man sách”
Sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” cho biết có “Phú Tài tứ chánh man sách” của thuộc Võng Nhi, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn là một trong 7 “man sách” của dinh Quảng Nam ở đầu thế kỷ 19.
Dựa vào mô tả vị trí của “man sách” này đều nằm tiếp giáp làng Hóa Khuê Trung Tây về các mặt, các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng “man sách” ở ven sông, ven biển như “Phú Tài tứ chánh man sách” ắt phải là nơi cư trú các dân tộc miền biển” (Võ Văn Thắng, 2014), hay đó là một làng Chăm mà cho đến thời điểm lập địa bạ thì cư dân vẫn bảo lưu lối sống của họ giữa một làng người Việt ở Khuê Trung (Hồ Trung Tú, 2015), hoặc có thể các làng Chàm này không còn những đặc trưng điển hình sau hàng trăm năm kể từ sự kiện 1471, nhưng vẫn còn những khác biệt nhất định nên khi lập địa bạ ghi là man sách (Vũ Hùng, 2019).
Có thể thấy, “man sách Phú Tài” đã được các nhà nghiên cứu dẫn dụng khá nhiều và quan tâm đến nguồn gốc dân cư của nó xuất phát từ yếu tố “man sách” trong tên làng. Tuy nhiên, do sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn không viết kèm theo phần chữ Hán Nôm nên có lẽ đã gây hiểu nhầm “man sách” tức là hai chữ 蠻栅 này. Nhưng man 蠻 là cách gọi các sắc dân thiểu số, còn sách 栅 là đơn vị hành chánh ở miền núi, nơi tập trung sinh sống của người thiểu số, tương đương với thôn, làng ở đồng bằng (Võ Hương An, Từ điển nhà Nguyễn, 2021).
Mặt khác, sách “Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn”, Tập III: Nam Trung Bộ khi dịch thì có kèm chữ Hán - Nôm đã viết là 肆政富才蔓 và đọc là “mạn Tứ chính Phú Tài” (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, 2021, tr.373). Thêm vào đó, địa bạ gốc lập năm 1814 có ký hiệu 12368 mà chúng tôi tiếp cận được cũng ghi rõ là “Điện Bàn phủ Thanh Châu tổng Phú Tài Tứ chính” (奠磐府清洲總肆政富才蔓) với đơn vị vạn (蔓) chứ không thấy có đơn vị “man sách”.
Về đơn vị 蔓 này, chúng tôi đã trình bày các cứ liệu về ngữ âm và lịch sử xác hợp để đề xuất đọc vạn thay vì man hay mạn như các công trình dịch thuật trước đây (Hy Giang, “Về một đơn vị hành chính xưa”, https://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/ve-mot-don-vi-hanh-chinh-xua-134427.html, 6/11/2022).
Nhờ những dẫn liệu trên, chúng tôi xác định được: Tứ chính Phú Tài không mang đơn vị “man sách” như sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” đã dịch mà mang đơn vị vạn (蔓). Và vạn Phú Tài thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn chứ không thuộc về thuộc Võng Nhi, huyện Hòa Vang như sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” đã sắp xếp.
Vạn Phú Tài ra đời khi nào, ở đâu?
Trước thế kỷ 19, nhiều làng lớn quanh vạn Phú Tài đã xuất hiện trong “Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục” nhưng không thấy có tên vạn Phú Tài. Có thể vạn này mới ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 18.
Đến đầu thế kỷ 19, thuộc Võng Nhi quản hạt tổng Thanh Châu với 8 xã là Mỹ Khê, Cồn Nhâm, Thanh Châu, Để Võng, Đại An, Hà Mòi (sau là Hà Quảng), Phụ lũy Phước An (sau là Phước Trạch); 2 phường Tân Hiệp, Cồn Nhâm cùng vạn Tứ chính Phú Tài. Các làng này nằm rải rác trải dọc bờ biển từ cửa sông Hàn, ven sông Cẩm Lệ đến sông Cổ Cò, vào đến Cửa Đại và ra đến Cù Lao Chàm, cư dân đều có sinh kế chủ yếu là làm lưới, đánh bắt cá, chở đò...
Qua các vị đứng tên khai bạ gồm Trùm Liễu Phan Hữu Lấy (?!), Lão Trí Lê Văn Đạo, Lão Cường Đặng Công Cường, ta biết được vạn Phú Tài đương thời có các tộc họ chính cộng cư là Phan, Lê, Đặng. Về tứ cận, vạn Phú Tài phía nam giáp sông; đông giáp xứ Cồn Học; tây giáp xứ Bàu Trại (?!); bắc giáp xứ Bến Trễ. Cả ba xứ đất trên đều thuộc xã Hóa Khuê Trung Tây, cho thấy vạn nằm lọt thỏm giữa xã này.
Toàn diện tích của vạn rộng 5 mẫu 5 sào. Phần đất tư để làm nhà ở của dân vạn Phú Tài chỉ rộng 1 mẫu nằm ở Vũng Đa xứ. Xứ Vũng Đa có thể bắt nguồn từ một vũng nước lớn “bên cây đa hoặc xung quanh có nhiều cây đa”, thông ra sông Cẩm Lệ ở phía nam mà nay vẫn còn dấu vết. Trên bản đồ chiến sự Đà Nẵng (1859) có địa danh Vũng Đa kiều tức cầu Vũng Đa. Hiện tại cũng có cây cầu bắc qua Vũng Đa có tên là cầu Đò Xu.
Như vậy, vạn Phú Tài xưa nằm ở khu vực quanh hồ Khuê Trung ở đoạn đường Cách mạng Tháng Tám, thuộc phường Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng ngày nay.
Diện mạo của một vạn chài xưa
Nếu địa bạ các làng thường khai trưng ruộng đất để nộp thuế thì các vạn cũng trưng điền nộp thuế nhưng là “thủy điền” - “ruộng nước”, tức quãng mặt nước hay đoạn sông mà dân vạn sinh sống, hành nghề trên đó.
Vạn Phú Tài có trưng sở thủy điền Vũng Đa xứ: đông giáp xứ Bà Đa xã Hóa Khuê Đông; tây giáp xứ Cồn Dầu; nam giáp xứ Đô Lỗ (đều thuộc xã Hóa Khuê Trung Tây); bắc giáp nhà ở đất tư, đất mộ, đất gò nổng của bản vạn. Các xứ đất Bà Đa, Cồn Dầu, Đô Lỗ hiện còn trong vùng, cho thấy thủy điền của vạn bao quát từ Vũng Đa đến ngã ba sông lớn - nơi hội lưu của sông Vĩnh Điện/ sông Cái - Cổ Cò - Cẩm Lệ, đổ ra sông Hàn. Ở vị trí giao lộ quan trọng đó, các chuyến đò chở người chở hàng, ghe thuyền xúm xít lan ra trên mặt nước, đánh bắt cá, buôn bán… giúp hình dung hoạt động sôi nổi của vạn Phú Tài xưa.
Đất trên bờ của vạn ngoài phần đất tư làm nhà ở, còn có các sở đất gò nổng, là nơi kiết lập sở (miếu) thờ thần rộng 5 sào và khu đất mộ rộng 4 mẫu. Theo đó, đất ở khi sống của dân vạn Phú Tài chỉ rộng 1 mẫu nhưng diện tích đất để mai táng lại rộng gấp 4 lần. Có lẽ, dân vạn lênh đênh sông nước, không có đất ruộng thì bám lấy quãng sông để mưu sinh nhưng khi già yếu và nằm xuống thì họ cũng sẽ quay về lòng đất mẹ như dân ở cạn vậy.
*
* *
Nằm ở một vũng nước lớn - Vũng Đa và có sở thủy điền rộng ở vị trí quan trọng, Phú Tài là vạn chài khá lớn của đất Quảng xưa. Đến cuối thế kỷ 19, Phú Tài được chép trong “Đồng Khánh địa dư chí” là một xã của tổng Thanh Châu chứ không còn là một vạn nữa. Tuy vậy, theo lời kể lại, đến trước khi mở đường Cách mạng Tháng Tám và xây cầu Hòa Xuân thì quang cảnh tấp nập ở bến đò ngang dọc, cảnh người thả đăng vẫn còn đó, phần nào nhắc nhớ về vạn Phú Tài xưa.