Hòa nhập thành phố
Bài toán hòa nhập, bình đẳng với dân cư thị thành được đặt ra, khi ngày càng nhiều hơn người dân từ các vùng nông thôn dịch chuyển ra thành phố.
Lao động di cư
Sự thay đổi rõ rệt ở các đô thị của Quảng Nam là số lượng dân cư tăng lên. Không chỉ ở TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, các đô thị là trung tâm của huyện lỵ cũng đón một lượng lớn người nhập cư, từ các vùng quê trên địa bàn tỉnh lẫn các khu vực ngoại tỉnh.
Tại Quảng Nam, lượng lớn người đến các đô thị chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, trong đó chiếm số lượng lớn là làm công nhân và trong khối thị trường lao động phi chính thức với các hoạt động bán hàng rong, giúp việc gia đình...
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2022, khi triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, Quảng Nam có gần 28 nghìn lượt người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hỗ trợ tiền thuê nhà ở.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là số lao động có đóng BHXH, tức là lao động ở lĩnh vực sản xuất. Số người ở trọ không đóng BHXH và làm việc ở các khu vực phi chính thức thì chưa thể thống kê được.
Sự phát triển của mỗi đô thị luôn có đóng góp rất lớn của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Quảng Nam hiện có 13 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Theo quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20 nghìn héc ta cụm công nghiệp và KCN.
Theo đà đó dự báo về con số lao động nhập cư sẽ còn tăng trong tương lai. Tại một số KCN, chúng tôi nhận thấy bài toán an sinh khá nan giải, từ câu chuyện an ninh trật tự, thiết chế sinh hoạt công cộng, chăm sóc sức khỏe và cả chuyện giáo dục cho thế hệ con cái họ.
Đối diện với các vấn đề thiết thân trong đời sống, những người di cư từ khu vực khác đến ở trọ tại đô thị gần như phải tự xoay xở. Hàng loạt dãy nhà trọ sơ sài dành cho công nhân trong bối cảnh phải thắt lưng buộc bụng.
Và chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp tổ chức các cuộc giao lưu, liên hoan nghệ thuật, hội diễn văn nghệ, luyện tập thi đấu thể thao cho công nhân trong một số dịp. Tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân là 50%. Số doanh nghiệp tổ chức tham quan du lịch, học hỏi kinh nghiệm cho công nhân càng khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 30% và cũng không thường xuyên.
Hình thành nếp sống
Theo báo cáo từ một nhóm nghiên cứu độc lập, đa số người di cư lên thành phố làm việc không chỉ đối mặt với rào cản về tài chính, bệnh tật mà còn gặp phải khủng hoảng về tâm lý.
Điều này hình thành nên mạng lưới những người cùng quê - nôm na là hội đồng hương ra đời làm nơi kết nối. Hoạt động mạnh mẽ của các Hội đồng hương Nghệ Tĩnh, Hội đồng hương các huyện tại TP.Tam Kỳ chẳng hạn, cho thấy mấu nối giữa đô thị của người di cư.
Tại một con hẻm của TP.Tam Kỳ, có khá nhiều người từ Huế và các tỉnh Bắc Trung Bộ đến định cư. Họ mang đến một nếp sống thâm trầm, tĩnh lặng cho con phố này. Ở những khu vực mới phát triển, TP.Tam Kỳ chứng kiến nhiều hơn người từ các vùng quê khác đến an cư.
Gần 1/3 trong số những người định cư sau này tại các khu phố mới của đô thị tỉnh lỵ không phải là người sinh ra và trưởng thành tại Tam Kỳ. Nhưng chính họ làm nên một đô thị mới Tam Kỳ với những đóng góp về kinh tế cũng như sự tham gia và tạo nên các hoạt động ở địa phương.
Riêng TP.Hội An, khá đông người từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chọn vùng ven đô làm nơi cư ngụ lâu dài. Một thời gian, đô thị này phải đề ra những quy định về việc thành lập homestay phải là người bản địa, để nỗ lực giữ nền nếp sinh hoạt đậm chất Quảng từ đô thị này.
Hội An cũng từng đối mặt với tình trạng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng nhà trong phố cổ, chính điều này gây nên nhiều xáo trộn về bản sắc văn hóa của đô thị di sản. Một lãnh đạo đô thị này chia sẻ, chính tính cách văn hóa người Hội An là điểm riêng có so với nơi khác.
“Thân thiện vẫn là cốt cách không dễ bị pha loãng, dù hiện tại có khá nhiều người từ nơi khác đến mua nhà, sinh sống, buôn bán… Bản lĩnh người Hội An được hun đúc bởi chiều sâu văn hóa, luôn biết “đãi cát tìm vàng, gạn đục khơi trong, gìn vàng giữ ngọc”.
Phát triển Hội An bắt đầu từ văn hóa, từ phố cổ, nghĩa là từ quá khứ, di sản. Cuộc giao lưu kinh tế, văn hóa mang theo các giá trị tốt đẹp lẫn không phù hợp với truyền thống.
Cho rằng, người Hội An đã biết chắt lọc để tiếp nhận, biến những giá trị tốt đẹp đó thành của mình, tuy nhiên cũng có một bộ phận không biết “đãi cát tìm vàng” để “gìn vàng giữ ngọc”. “Một sự mất mát rất vô hình. Sự lẫn lộn đó làm biến dạng nếp sống, thậm chí còn tạo nên vết sẹo, vết xước không cần thiết” - vị này nói thêm.
Làm gì để người đến sống và kiếm sống ở thành phố không thấy mình đứng ngoài mọi cuộc chuyển xoay của đô thị, vẫn phụ thuộc năng lực tiếp nhận, tiếp biến của chính vùng đất. Quá khứ, Quảng Nam là một vùng đất mở. Tính mở ấy, cho đến bây giờ, vẫn đang ấm nóng theo thời đại...