Dấu lặng lúc hạ màn

AN NHI 26/11/2022 06:25

V-League 2022 kết thúc vài ngày trước khi trái bóng World Cup lăn đã giúp bóng đá Việt Nam tránh tình trạng khán giả ngồi trên khán đài V-League mà đầu óc nghĩ đến Qatar. Nhưng khúc hạ màn của mùa giải vẫn có những dấu lặng đáng suy ngẫm.

Sài Gòn có tồn tại sau khi rớt hạng là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi mà toàn bộ ban huấn luyện, cầu thủ đã được thanh lý hợp đồng. Ảnh: A.NHI
Sài Gòn có tồn tại sau khi rớt hạng là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi mà toàn bộ ban huấn luyện, cầu thủ đã được thanh lý hợp đồng. Ảnh: A.NHI

Sài Gòn còn không?

Sài Gòn chia tay V-League để lại nhiều dấu hỏi về số phận của một đội bóng từng có tham vọng rất lớn. Năm 2020, dưới sự dẫn dắt của HLV Vũ Tiến Thành, Sài Gòn thi đấu thăng hoa và cán đích vị trí thứ ba V-League.

Sau đó, gây ngạc nhiên cho làng bóng đá Việt Nam bằng chủ trương “Nhật hóa”, CLB Sài Gòn đưa nhiều chuyên gia và HLV về làm thuyền trưởng cùng với 5 cầu thủ đều người Nhật với mục tiêu hướng đến ngôi vị cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Nhìn vào Sài Gòn lúc đó, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước cách làm bóng đá được quảng bá là chuyên nghiệp theo hướng của các đội bóng ở giải vô địch Nhật Bản.

Tuy nhiên, chiến lược có vẻ hấp dẫn đó đã bị phá sản hoàn toàn chỉ sau “vài nốt nhạc”. Tất cả từ HLV trưởng, chuyên gia đến các cầu thủ người Nhật đều sớm xách va li về nước khi không để lại ấn tượng nào và đội bóng thi đấu không thành công.

Như giọt nước làm tràn ly, mùa giải năm 2022, đến lượt Chủ tịch CLB Sài Gòn - ông Trần Hòa Bình xin từ chức, chuyển giao quyền điều hành cho nhà tài trợ khác. Và kết cục tất yếu xảy ra khi Sài Gòn tiếp tục trượt dài và cuối cùng đón nhận tấm vé rớt hạng.

Đến lúc này, có thể nói chiến lược J-League của CLB Sài Gòn đề ra hoàn toàn chỉ là “bánh vẽ”. Thậm chí, tương lai của Sài Gòn ra sao ở mùa giải tới khi xuống chơi ở giải hạng Nhất vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thời điểm này đội bóng chỉ còn cái tên bởi sau khi kết thúc trận đấu cuối cùng của mùa giải họ đã thanh lý hợp đồng toàn bộ ban huấn luyện, cầu thủ.

Còn hơn cả nỗi buồn xuống hạng, chứng kiến hình ảnh HLV Phùng Thanh Phương cùng các cầu thủ Sài Gòn thất thểu cúi đầu rời sân trong ngày chia tay V-League thật xúc động. CLB Sài Gòn “tan đàn xẻ nghé” và các cầu thủ cũng không có cơ hội để cùng nhau làm lại như các đội bóng khác. Sài Gòn còn không?

Chuyên nghiệp nửa vời

Sài Gòn không phải là CLB đầu tiên của bóng đá Việt Nam rơi vào tình cảnh có nguy cơ bị “xóa sổ”. Ở mùa giải năm nay, đội hạng Nhất Cần Thơ cũng đối diện với nguy cơ dừng cuộc chơi giữa chừng sau khi cầu thủ tố bị nợ lương, thưởng, tiền lót tay nhưng cuối cùng được giải cứu nhờ sự ra tay của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp “chữa cháy” trong mùa giải 2022 còn đến giờ vẫn không biết tương lai đội bóng ra sao vì theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp không thể lấy ngân sách nuôi đội bóng (mà nuôi cũng không nổi).

Không có được niềm vui như Cần Thơ, năm 2021, CLB Than Quảng Ninh có truyền thống và thành tích thuộc hàng tốt nhất V-League song vẫn chấp nhận dừng hoạt động để rồi mất tên khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam vì không có nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh Quảng Ninh. Tương tự là đội hạng Nhất An Giang cũng rút lui ngay trước thềm mùa giải 2022.

Không quá khó để kể tên các đội bóng tự gạch tên ra khỏi đời sống bóng đá trong thời gian qua. Bóng đá Việt Nam đã trải qua chặng đường chuyên nghiệp ngót nghét 20 năm. Chưa dài song không phải ngắn để hình thành cách làm chuyên nghiệp, các CLB chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, có thể nói một số CLB với cách làm chuyên nghiệp nửa vời khiến cho các giải đấu thường xuyên đối mặt với rất nhiều khó khăn, như V-League 2022 chỉ có 13 đội nên mỗi vòng đấu có một đội không thi đấu.

Tình trạng CLB phụ thuộc quá lớn vào một ông chủ, lúc vui và làm ăn hiệu quả đầu tư không tiếc tiền để có thành tích theo kiểu “ăn xổi”, lúc buồn “bỏ của chạy lấy người” khiến cho đội bóng lao đao, thậm chí giải tán không phải là hiếm.

Chuyện các đội bóng bị xóa sổ rõ ràng không còn xa lạ với bóng đá Việt Nam kể từ ngày lên chuyên và nguyên nhân chung quy cũng vì một chữ “tiền”. Cứ với đà này, không biết còn bao nhiêu đội bóng nữa lần lượt theo chân Than Quảng Ninh, Sài Gòn và trước đó là những cái tên như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Hòa Phát Hà Nội, Ninh Bình…

Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này là bài toán không hề dễ dàng đối với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa mới và Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp khi mà mùa giải 2023 không còn xa nữa.

AN NHI