Bệnh sởi - mối đe dọa toàn cầu sắp xảy ra
(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa khuyến cáo, hiện có một mối đe dọa sắp xảy ra do bệnh sởi lan rộng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
WHO và CDC Mỹ cho biết, sởi là một trong những loại vi rút dễ lây lan nhất ở người và gần như hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng vắc xin; tuy nhiên, cần tỷ lệ bao phủ vắc xin 95% để ngăn chặn sự bùng phát trong cộng đồng.
Trong thông cáo chung, WHO và CDC Mỹ nhấn mạnh, gần 40 triệu trẻ em toàn cầu bỏ lỡ liều vắc xin sởi vào năm 2021, trong đó 25 triệu trẻ bỏ lỡ liều đầu tiên và 14,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ hai. Nguyên nhân chủ yếu là do rào cản từ đại dịch COVID-19.
Ngày 23/11 vừa qua, Tiến sĩ Patrick O'Connor - người đứng đầu WHO về bệnh sởi nói với Reuters, dù các trường hợp mắc bệnh sởi vẫn chưa tăng đột biến so với những năm trước, nhưng giờ là lúc phải hành động.
Ông Patrick O'Connor nói: "Chúng ta đang ở ngã tư đường. Sẽ mất 12-24 tháng rất khó khăn để làm giảm sự lây lan của bệnh".
WHO và CDC Mỹ khuyến cáo, việc tiếp tục giảm tiêm chủng, hệ thống giám sát dịch bệnh yếu kém, các kế hoạch ứng phó chậm trễ do COVID-19 và các đợt bùng phát đang diễn ra ở hơn 20 quốc gia có nghĩa là "bệnh sởi là mối đe dọa sắp xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới".
Hơn 95% ca tử vong do sởi xảy ra ở các nước đang phát triển, chủ yếu ở châu Phi và châu Á. WHO chứng kiến gia tăng các đợt bùng phát lớn kể từ đầu năm nay và rất quan ngại các vùng của châu Phi cận Sahara.
Đến nay thế giới không có liệu pháp điều trị cụ thể cho bệnh sởi, nhưng tiêm phòng vắc xin sởi gồm hai liều có hiệu quả đến 97% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong.
Tháng 7 vừa qua, Liên hiệp quốc cho biết 25 triệu trẻ em toàn cầu bỏ lỡ các cuộc tiêm chủng định kỳ chống lại các bệnh, bao gồm bệnh bạch hầu, chủ yếu gián đoạn do COVID-19 và lan truyền thông tin sai lệch về vắc xin.
Bệnh sởi thường bắt đầu bằng sốt, nhưng có tính đặc trưng là phát ban từ mặt và cổ sau vài ngày.
Theo WHO, vi rút gây bệnh sởi có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt trong tối đa 2 tiếng đồng hồ và người bị nhiễm bệnh có thể truyền vi rút trong vòng 4 ngày trước và sau khi phát ban.
Theo thống kê, khoảng 128 nghìn người tử vong vì bệnh sởi trên toàn thế giới vào năm 2021. Thế giới cũng đang trong lằn ranh nguy hiểm với chỉ 81% trẻ em được tiêm liều vắc xin sởi đầu tiên và chỉ 71% trẻ em được tiêm liều vắc xin sởi thứ hai. Đây là tỷ lệ bao phủ toàn cầu thấp nhất kể từ năm 2008. Sởi là bệnh truyền nhiễm và phổ bệnh ở trẻ em.