Hội nghị thường niên lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa - thông tin ASEAN: Cơ hội tiếp cận chuyển đổi số
Áp dụng công nghệ số vào việc nâng cao nhận thức của người dân khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về bảo tồn các di sản, giá trị truyền thống, kết nối các nền văn hóa và phát huy tính đa dạng văn hóa trong khu vực... là vấn đề đặt ra tại Hội nghị thường niên lần thứ 57 của Ủy ban Văn hóa - thông tin ASEAN. Hội nghị khai mạc hôm qua (24/11) tại TP.Hội An.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đến từ các bộ, cơ quan phụ trách văn hóa, thông tin các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Liên đoàn Quốc tế các hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa (IFACCA). Hội nghị lần này có chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người”.
Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa - thông tin ASEAN là sự kiện quốc tế đặc trưng trong chuỗi các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam. Đây được xem là cơ hội của Quảng Nam để tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa và sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển và nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Quảng Nam.
Kỳ vọng phục hồi từ công nghệ số
Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông số sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian giữa các nước thành viên ASEAN. Đồng thời, công cuộc chuyển đổi số tạo điều kiện cho người dân tiếp cận mạnh mẽ hơn với truyền thông và văn hóa.
“Các nước thành viên ASEAN đã và đang nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ và các phương tiện truyền thông mới để thích ứng và phát triển. Chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người” với kỳ vọng áp dụng công nghệ số trong hợp tác của Ủy ban Văn hóa - thông tin ASEAN sẽ tạo điều kiện giải quyết những khó khăn, hạn chế vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN” - ông Hoàng Đạo Cương phát biểu.
Năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN. Đại diện Bộ VH-TT&DL cho rằng, thời gian qua, việc hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN đóng góp quan trọng vào công tác nâng cao nhận thức của người dân khu vực về bản sắc ASEAN, đưa hình ảnh ASEAN ra thế giới, bảo tồn các di sản, giá trị truyền thống, kết nối các nền văn hóa và phát huy tính đa dạng văn hóa trong khu vực.
Riêng với công cuộc chuyển đổi số, các quốc gia Đông Nam Á rất coi trọng để tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng. Thông qua khởi động đàm phán Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) sẽ tăng cường hội nhập và chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực.
Các đại biểu nhận định chuyển đổi số vừa là chiến lược phục hồi chính của ASEAN hậu COVID-19, vừa là mục tiêu để xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững, gắn kết chính trị, liên kết kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội, đảm bảo duy trì vị thế trung tâm của khu vực châu Á năng động.
Truyền thông về ASEAN trên môi trường số
Thông qua các sáng kiến, dự án, chương trình tại hội nghị lần này, các hoạt động hợp tác về văn hóa, thông tin sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cả về quy mô và chất lượng. Hội nghị sẽ đề ra những định hướng mới, tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thông tin ASEAN, tiếp tục đưa những đóng góp của hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN nói riêng và cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) nói chung vào quá trình triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025.
Tại hội nghị, các chương trình, dự án liên quan đến biểu diễn nghệ thuật ASEAN, tổ chức dàn nhạc cụ đồng của ASEAN, diễn đàn ASEAN về doanh nghiệp văn hóa xanh, hồi phục các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Đông Nam Á hậu CCVID-19, hội thảo ASEAN về quảng bá sản phẩm trên thị trường... được mang ra bàn luận để đi đến thống nhất phương thức triển khai trong năm 2023.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan phụ trách thông tin ASEAN tập trung rà soát và trao đổi nội dung về hợp tác thông tin ASEAN, thống nhất một số chương trình, dự án thông tin liên quan đến thúc đẩy chuyển đổi số đối với lĩnh vực thông tin, báo chí truyền thông và hợp tác phòng chống tin giả trong ASEAN..
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng, với chủ đề của hội nghị lần này, cho thấy cần phải tăng cường truyền thông về ASEAN trên môi trường số, quảng bá bản sắc ASEAN, thúc đẩy sự đoàn kết giữa nhân dân các nước trong khu vực.
“Chuyển đổi số trở thành trọng tâm chiến lược của ASEAN để thúc đẩy hồi phục kinh tế và xây dựng lại mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19, cũng đồng thời là hướng đi để các nước trong khu vực cùng xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội”. Các nền tảng số giúp người dân ASEAN duy trì kết nối, hợp tác và giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động” - ông Nguyễn Hồng Quang nói.