9 biện pháp ngăn sổ mũi do cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng tại nhà

V.THU (Theo zingnews.vn) 23/11/2022 09:33

(QNO) - Chảy nước mũi có thể do dị ứng, mắc các bệnh như cảm lạnh, thay đổi nhiệt độ hoặc ngửi phải chất kích thích trong không khí.

Để hết sổ mũi, người bệnh hãy uống thuốc dị ứng, xì mũi, uống nhiều nước, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Ảnh: Meaww.
Để hết sổ mũi, người bệnh hãy uống thuốc dị ứng, xì mũi, uống nhiều nước, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Ảnh: Meaww.

Theo Insider, viêm mũi là tình trạng viêm nhiễm ở lỗ mũi, thường có biểu hiện là một bên nghẹt mũi, bên còn lại chảy nước mũi, hắt hơi, cổ họng khó chịu, ho và mệt mỏi.

Nếu sổ mũi của bạn là do viêm mũi dị ứng, tốt nhất bạn nên dùng thuốc kháng histamine. Tuy nhiên, nếu tình trạng sổ mũi là do viêm mũi không dị ứng gây ra, do virus như cảm lạnh hoặc cúm, có nhiều phương pháp khác có thể giúp bạn giảm bệnh.

Xì mũi

Để thải hết chất nhầy trong mũi, người bệnh nên xì mũi và làm sạch mũi thường xuyên.

Theo Medicine, xì mũi thường xuyên sẽ ngăn chất nhầy tích tụ và chảy xuống từ lỗ mũi. Ngoài ra, khi bị cảm lạnh và viêm xoang, chất nhầy trong mũi có thể trở nên đặc, dính và khó đào thải hơn.

Việc giữ lại chất nhầy này (thay vì xì ra) được cho là góp phần tạo ra kích ứng khiến mũi bị chảy nước kéo dài hàng tuần hoặc lâu hơn.

Điều này có thể là do chất nhầy bị giữ lại đóng vai trò cho vi khuẩn phát triển. Chất nhầy trong mũi quá nhiều khiến các sợi lông mũi không thể làm tốt nhiệm vụ lọc vi khuẩn, các mảnh vụn khi người bệnh hít vào.

Chất nhầy đặc bị giữ lại trong mũi nhiều khả năng bị đẩy xuống cổ họng do trọng lực tác động từ lỗ mũi, dẫn đến kích ứng cổ họng, gây ho và có đờm.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên xì mũi để loại bỏ chất nhầy gây bệnh.

Chảy nước mũi có thể do dị ứng với nấm mốc, lông thú cưng hoặc không khí ô nhiễm. Ảnh: Menavista.
Chảy nước mũi có thể do dị ứng với nấm mốc, lông thú cưng hoặc không khí ô nhiễm. Ảnh: Menavista.

Uống nhiều nước

Điều này có thể giúp giữ cho các mô mũi của bạn ẩm, có thể giúp hạn chế tình trạng nghẹt mũi.

Giữ đủ nước cũng giúp cơ thể bạn chống lại bất kỳ bệnh nhiễm trùng hoặc virus nào có thể gây sổ mũi. Theo John Hopkins Medicine, mất nước có thể dẫn đến khô màng nhầy, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn mũi.

Sử dụng máy tạo độ ẩm

Theo Insider, máy tạo độ ẩm có thể làm cho các bệnh dị ứng trong nhà như mạt bụi và dị ứng nấm mốc trở nên tồi tệ hơn, nhưng căn phòng quá khô cũng gây kích ứng mũi.

Người bệnh cần giữ độ ẩm 40-50% cho ngôi nhà. Nếu cao hơn mức đó, bạn sẽ tạo ra một môi trường mà mạt bụi và nấm mốc phát triển mạnh, gây ảnh hưởng trầm trọng tới hô hấp.

Để hết sổ mũi khi bị cảm lạnh hoặc cúm, người bệnh hãy uống nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm. Ảnh: Delos.
Để hết sổ mũi khi bị cảm lạnh hoặc cúm, người bệnh hãy uống nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm. Ảnh: Delos.

Đắp khăn ấm

Đắp một chiếc khăn ấm lên mặt nhiều lần trong ngày có thể giúp xoa dịu xoang vốn bị kích ứng bởi không khí khô.

Viêm xoang có thể khiến người bệnh đau đớn và khó chịu. Cách đắp khăn ấm lên mặt sẽ làm giảm sưng tấy và giảm bớt các triệu chứng.

Rửa mũi bằng nước muối

Sử dụng nước muối rửa mũi có thể rửa sạch các chất gây dị ứng, virus và vi khuẩn khỏi mũi và giúp loại bỏ chất nhầy bị mắc kẹt.

Nước muối rửa mũi là cách nhanh chóng để ngăn sổ mũi. Người bệnh nên sử dụng nước muối rửa mũi vào buổi sáng và trước khi đi ngủ để làm sạch mũi.

Ngẩng cao đầu

Nếu bạn bị nghẹt mũi, hãy cố gắng kê cao đầu khi ngủ vì điều này cho phép nước mũi thoát ra tốt hơn.

Bạn có thể kê cao gối, nằm ngửa khi ngủ giúp mũi không còn bị nghẹt. Bạn nên lựa chọn gối có độ mềm vừa phải, không quá cao để tránh bị mỏi cổ khi ngủ dậy.

Theo Insider, để ngăn sổ mũi do dị ứng, tốt nhất bạn nên dùng thuốc kháng histamine. Ảnh: Verywell Mind.
Theo Insider, để ngăn sổ mũi do dị ứng, tốt nhất bạn nên dùng thuốc kháng histamine. Ảnh: Verywell Mind.

Dùng thuốc

Thuốc thông mũi làm khô và hạn chế để mũi bị viêm. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc thông mũi có thể gây cảm giác bồn chồn và tăng huyết áp. Các bác sĩ khuyên bạn nên sử dụng thuốc thông mũi không quá 3-5 ngày.

Nếu bệnh viêm mũi của bạn trở thành mạn tính, điều này có thể làm tăng nguy cơ bạn bị mũi bạn bị nhiễm vi khuẩn. Nếu điều đó xảy ra, bạn hãy gặp bác sĩ để kê đơn và sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều, đúng bệnh.

Sử dụng hơi nước

Theo phòng khám Cleveland, sử dụng hơi nước có thể giảm sổ mũi và giúp bạn thở dễ dàng hơn. Hơi nước được tạo ra từ vòi sen ấm, đồ uống nóng và máy xông hơi sẽ làm dịu triệu chứng sổ mũi, giảm viêm và xoang.

Lưu ý, để tránh nguy cơ bị bỏng, bạn có thể để nước hơi nguội trước khi sử dụng xông mũi bằng hơi nước. Bạn cũng nên giữ khoảng cách mặt với hơi nước, thay vì đặt mặt hoặc tay trực tiếp vào sát hơi nước.

Tránh các chất kích thích

Cả viêm mũi dị ứng và không dị ứng đều có thể trở nên tồi tệ hơn do các chất kích thích như lông vật nuôi, bụi và khói. Khi bị viêm mũi, bạn nên tránh những điều trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe biết điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Vì vậy, người bệnh cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tắm sau khi ra ngoài có thể giúp bạn hạn chế tác động của virus.

Nguyên nhân gây chảy nước mũi

Theo National Library of Medicine, viêm mũi là một vấn đề toàn cầu và được định nghĩa là sự hiện diện của ít nhất một trong các triệu chứng sau: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi và tắc nghẽn mũi.

Có hai loại viêm mũi: Dị ứng và không dị ứng.

- Viêm mũi dị ứng xảy ra khi chất gây dị ứng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở mũi. Viêm mũi dị ứng xuất hiện khi các triệu chứng được kích hoạt bởi một chất gây dị ứng. Viêm mũi dị ứng lâu năm thường được cho là do mạt bụi, bào tử nấm mốc và vẩy da động vật, trong khi viêm mũi dị ứng theo mùa là do nhiều loại phấn hoa khác nhau tùy theo vùng địa lý hoặc thay đổi thời tiết.

- Viêm mũi không dị ứng (NAR) thường được mô tả là các triệu chứng mũi mạn tính, chẳng hạn tắc nghẽn, chảy nước mũi xảy ra liên quan đến các tác nhân không gây dị ứng, không nhiễm trùng như thay đổi thời tiết, tiếp xúc với mùi lạ hoặc khói thuốc lá, chênh lệch áp suất khí quyển.

Theo Insider, nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng là do virus gây cảm lạnh và cúm, thay đổi nhiệt độ nhanh chóng, do cảm xúc, nội tiết tố.

V.THU (Theo zingnews.vn)