Nước Anh tham vọng trở thành Thung lũng Silicon tiếp theo

AN TRƯƠNG 22/11/2022 20:40

(QNO) - Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt tuyên bố sẽ xây dựng các chính sách thúc đẩy ngành khoa học và công nghệ nước này trở thành một “siêu cường khoa học”.

East London Tech City, còn được gọi là Thành phố Công nghệ hoặc Vòng xoay Silicon, một công trình tiêu biểu tại Thủ đô London, Anh. Ảnh: Getty Images
East London Tech City, còn được gọi là Thành phố Công nghệ hoặc Vòng xoay Silicon, một công trình tiêu biểu tại Thủ đô London, Anh. Ảnh: Getty Images

Vốn là “quê hương” của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ I, nhưng nước Anh ngày càng tỏ ra đuối sức trong cuộc đua công nghiệp đang diễn ra gay gắt trên toàn cầu.

Trong bài phát biểu của mình tại Hạ viện, ông Jeremy Hunt cho rằng nền kinh tế thế kỷ 21 được xác định bởi những nhân tố phát triển mới, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và người máy. Vì vậy, để biến quốc gia trở thành “Thung lũng Silicon tiếp theo” của thế giới, nước Anh cần làm tốt hơn nữa trong việc nâng cao chuyên môn kỹ thuật và đẩy mạnh tinh thần đổi mới sáng tạo nhằm giúp các công ty quốc gia vươn tầm thế giới.

“Bản Tuyên bố Mùa thu” do Bộ Tài chính công bố ngày 17/11 đã cho thấy tham vọng của xứ sở sương mù trong việc vạch ra các biện pháp liên quan đến thuế doanh nghiệp, ngân sách R&D (Research & Design: Nghiên cứu và Phát triển) và kế hoạch kiểm soát các đế chế Big Tech.

Tăng ngân sách cho R&D

Trước một số đồn đoán về việc chính phủ cắt giảm quỹ chi tiêu công cộng cho lĩnh vực R&D, ông Hunt khẳng định các khoản tài trợ sẽ được bảo đảm và tăng lên 20 tỷ bảng Anh vào năm 2025.

Theo bản Tuyên bố, việc giảm thuế R&D cho các doanh nghiệp nhỏ sẽ giảm từ 130% xuống 86% và tỷ lệ tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giảm từ 14,5% xuống 10%. Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng chi cho R&D sẽ tăng từ 13% lên 20%.

TKaty Wigdahl - Giám đốc điều hành công ty AI Speechmatics cho biết: “Đây là một dấu hiệu tích cực trong thời điểm mà Vương quốc Anh đang rất cần nâng cao vị thế của mình với tư cách là một siêu cường công nghệ toàn cầu nhằm thu hút những bộ óc kinh doanh sáng suốt nhất”. 

Kiểm soát quyền lực các Big Tech

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đưa ra Tuyên bố Mùa thu của mình tại Hạ viện vào ngày 17/11. Ảnh: Hạ viện Anh
Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đưa ra Tuyên bố Mùa thu của mình tại Hạ viện vào ngày 17/11. Ảnh: Hạ viện Anh

Đối với Thị trường kỹ thuật số, Chính phủ Anh lên kế hoạch ban hành một số dự luật, cụ thể là đưa Đơn vị Thị trường (DMU) của Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) vào luật. Các cơ quan trên sẽ có quyền hạn để hạn chế sự thống trị cũng như có khả năng can thiệp nhiều hơn vào hoạt động của các công ty công nghệ lớn. 

Chính phủ cho biết mục tiêu cụ thể của DMU sẽ bao gồm thay đổi khuôn khổ cạnh tranh, hợp lý hóa quá trình quyết định, cập nhật tiền phạt, bảo vệ người tiêu dùng tại các thị trường phát triển nhanh.

Quyền hạn của CMA, vốn rất lớn, nay lại được bổ sung thêm với các thay đổi trên. CMA đã từng ngăn chặn Meta mua lại ứng dụng Giphy với lý do rằng thương vụ này có khả năng làm giảm đi khả năng sáng tạo trong thị trường quảng cáo hình ảnh động.

Hiệp hội Truyền thông Tin tức (The News Media Association) đã ca ngợi động thái này với một niềm tin rằng những thay đổi về luật sẽ giúp “tạo sân chơi bình đẳng” giữa các nhà xuất bản và những gã khổng lồ công nghệ.

Siết thuế doanh nghiệp

Thuế suất doanh nghiệp chính của nước Anh sẽ tăng lên 25% kể từ tháng 4/2023. Các doanh nghiệp nhỏ hơn – những công ty có lợi nhuận dưới 50.000 bảng Anh – sẽ tiếp tục trả mức thuế 19%. Bên cạnh đó, một gói tín dụng trị giá 13,6 tỷ bảng Anh cũng sẽ dành để hỗ trợ các doanh nghiệp trong 5 năm tới.

Kể từ ngày 31/12, chính phủ Anh sẽ áp dụng các cải cách thuế toàn cầu của OECD, nhằm tạo ra mức thuế tối thiểu để đảm bảo các công ty Công nghệ lớn phải trả toàn bộ số thuế tại các quốc gia mà họ đang hoạt động.

“Chúng tôi hoan nghênh tham vọng của chính phủ trong việc xây dựng thế mạnh toàn cầu về khoa học, công nghệ và đổi mới, biến Vương quốc Anh thành Thung lũng Silicon tiếp theo” - Rashik Parmar - Giám đốc nhóm điều hành của Học viện Công nghệ Thông tin BCS, kỳ vọng.

AN TRƯƠNG