Những chuyến đò hạnh phúc
Đong đầy tình yêu thương dành cho trẻ, khuyến đọc hay sáng kiến những giờ học phát huy năng lực ở mỗi học sinh, bằng cách này hay cách khác, những thầy giáo, cô giáo miệt mài và tận tụy chuyên chở những chuyến đò hạnh phúc. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Quảng Nam cuối tuần giới thiệu hai cô giáo vừa được Sở GD-ĐT vinh danh về tâm huyết và sáng tạo trong nghề.
Gieo yêu thương
Quê ở Duy Xuyên, cô giáo Lê Thị Hồng Nhung (Tổ phó bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, Tam Kỳ) chọn theo con đường sư phạm Ngữ văn vì truyền thống gia đình (ba cô Nhung là giáo viên dạy văn, sau đó làm cán bộ quản lý trường THPT ở tỉnh Quảng Bình và TP.Đà Nẵng).
Cô Nhung kể: “Thời đó kho sách nho nhỏ của ba tôi là kho tàng, đúng hơn là kho báu, tôi luôn chui vào đó đọc sách mỗi ngày và niềm đam mê văn học của tôi khởi nguồn từ kho sách ấy… Cho đến bây giờ khi ba tôi không còn nữa, nhưng kho sách báo của ông vẫn đem đến cho tôi những điều bất ngờ.
Có dịp lật giở từng cuốn nơi giá sách của ba, những dòng ghi chú cẩn thận như “báo này có bài nói về Xuân Diệu”, “trong số này có bài nói về Nguyễn Thị Hồng Ngát”, “báo này có bài về vợ chồng Tố Hữu”... để tôi tiện đọc. Bài học nhỏ này tôi cũng đã áp dụng cho học trò của mình”.
Những người thầy của thời đại 4.0, giữa áp lực tứ phía bủa vây và những yêu cầu trong công việc, không ít người cảm thấy mệt mỏi. Nhưng khi đã lựa chọn nghề nghiệp, chọn ươm mầm những hạt giống thì phải tận tâm, tận lực vun trồng, chăm bẵm bằng tất cả tình yêu.
(cô giáo Lê Thị Hồng Nhung)
Sau này làm nghề giáo, cùng với chuyên chở những chuyến đò hạnh phúc, cô Hồng Nhung chở sách đến với học trò và cũng làm từ thiện… bằng sách. Bất kể trò nào thích đọc sách, cô đều chia sẻ và học trò cô Nhung hầu như đọc hết những sách mà cô có.
Với cô Nhung, đôi khi một quyển sách có thể thay đổi một cuộc đời. Như cô chẳng hạn, thực hành theo chỉ dẫn từ cuốn sách “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” của thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tiến sĩ Katherine Weare, khiến cô thay đổi rất nhiều. Cuốn sách đã giúp cô tìm thấy sự bình an, thanh thản, giúp cô bình tĩnh hơn, yêu thương, bao dung hơn, hài lòng với những gì đang có.
Cô Hồng Nhung nói: “Đọc “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” và thực hành theo những chỉ dẫn, tôi nghĩ chưa cần thay đổi thế giới, mà để thay đổi chính mình, như học cách chế ngự cảm xúc, nuôi dưỡng sự bình an, hạnh phúc trong tâm hồn để năng lượng ấy lan tỏa đến học trò, bạn bè, đồng nghiệp.
Chuyện vui buồn trong nghề giáo thì nhiều, nhưng giáo viên sẽ hạnh phúc mỗi ngày đến trường khi được sống trong một tập thể đoàn kết yêu thương. Tôi có được may mắn đó, ban giám hiệu nhà trường luôn chia sẻ, động viên, hỗ trợ trong công việc và đời sống”.
Trên lớp học, ngoài những bài giảng, cô Nhung thường tổ chức các cuộc thi nho nhỏ. Trong cuốn sổ với tựa đề “Chuyện lớp tôi” của lớp 12C3 cô Nhung chủ nhiệm, tất cả học sinh trong lớp đều ghi lại những cảm xúc, những câu chuyện của mình về việc học, về bạn bè, thầy cô... “Đọc những câu chuyện đó, tôi yêu và hiểu học trò hơn. Để khuyến khích học trò viết, cô bình chọn bài chia sẻ hay, thú vị của trò” - cô Nhung nói.
Trăn trở với chuyện học trò ít thích đọc sách, với chuyện dạy và học môn Văn hiện nay, cô Nhung cho biết, xã hội ngày càng phát triển, có nhiều niềm vui khác kéo học trò mạnh hơn đọc sách nên việc truyền cảm hứng cho học sinh, nhất là môn Văn, không dễ.
Vì vậy, cô Nhung thường xuyên thay đổi hình thức và phương pháp giảng dạy trong từng kiểu bài; và tìm cách đưa môn Văn về gần gũi hơn với học trò bằng việc liên hệ những câu chuyện thực tế trong mỗi bài giảng.
Cô Nhung cho biết: “Tôi nghĩ cần dạy theo năng lực, làm sao để phát huy được năng lực của trò trong mỗi tiết dạy. Trò vẽ tranh từ cảm hứng về tác phẩm văn học, trò phổ nhạc bài thơ, thuyết trình, trình chiếu powerpoint bài học... nghề của mình là phải luôn tìm cách cho mỗi trò phát huy năng lực. Đặc biệt, tôi rất thích trong giờ học tạo tình huống cho trò tranh biện…”.
Cô giáo như mẹ hiền
Cô Văn Thị Thanh Vân trở thành giáo viên mầm non một cách rất... tình cờ. Khi làm bí thư đoàn thanh niên thôn, rồi tham gia ban chấp hành phụ nữ xã Tiên Phong (Tiên Phước), cô Vân được địa phương tuyển chọn vào dạy trẻ ở xã.
Đồng lương ít ỏi nhưng sự ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu của trẻ níu giữ cô bám nghề. Từng bước, cô Vân cố gắng học lên đại học mầm non, trau dồi chuyên môn để nuôi dạy trẻ thật tốt.
“Giờ thì tôi rất vui khi chọn đúng nghề mình yêu thích. Giáo viên mầm non đúng là rất vất vả nhưng bù lại, mỗi ngày đến trường, nhìn trẻ tham gia tích cực các hoạt động là mình quên mệt nhọc” - cô Vân tâm sự.
Giáo viên mầm non thời nay không chỉ nuôi dạy trẻ đơn thuần, mà còn đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, thành thạo công nghệ thông tin, tạo môi trường cho trẻ trải nghiệm, lấy trẻ làm trung tâm.
(cô giáo Văn Thị Thanh Vân)
Trường Mầm non Sơn Ca là trường duy nhất ở Tam Kỳ có mô hình đặc biệt giúp trẻ cải thiện tình trạng biếng ăn, thích vận động nhờ sự kết hợp của bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể lực.
Mô hình này có sự đóng góp rất lớn của cô Vân và được Bộ GD-ĐT đánh giá cao. Một cô giáo của Trường Mầm non Sơn Ca kể, là cán bộ quản lý và là Chủ tịch Công đoàn nhà trường, không chỉ gương mẫu trong công việc, cô Vân còn chia sẻ, cảm thông với giáo viên trong cuộc sống hằng ngày, bởi “giáo viên vất vả hơn cán bộ quản lý nhiều” (lời cô Vân).
Tôi gặp cô giáo Văn Thị Thanh Vân lần đầu cách đây mấy năm trong khuôn viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca (Tam Kỳ) vào ngày nghỉ cuối tuần. Khi ấy cô đang quét dọn sân trường cùng đồng nghiệp, các cô vừa làm vừa kể những chuyện về học trò rất rôm rả, gây ấn tượng trong tôi về sự tận tụy trong câu chuyện trồng người.
Vào nghề cách đây hơn 30 năm ở Trường Mẫu giáo xã Tiên Phong (Tiên Phước) cho đến nay là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (TP.Tam Kỳ), cô giáo Văn Thị Thanh Vân vẫn vẹn nguyên lòng yêu nghề, yêu trẻ.
Cô Vân nhớ lại những năm 1999 - 2000, lúc đó ở vùng nông thôn hầu như gia đình nào cũng có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh còn xem nhẹ chuyện đưa trẻ đến trường mầm non. Bằng nhiệt huyết của mình, cô Vân đến từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh yên tâm cho trẻ đi học.
Theo cô Vân, yếu tố quyết định trong môi trường giáo dục mầm non là lấy trẻ làm trung tâm, nói theo lý thuyết là giáo viên luôn dựa trên nhu cầu, sở thích của trẻ, trẻ phải được yêu thương và tôn trọng để có khả năng phát huy mọi sở trường của mình. Tuy nhiên để làm điều này là không dễ, nếu giáo viên không tận tâm với nghề.
“Nếu cô giáo không yêu thương trẻ như con, không tạo môi trường an toàn cho trẻ khi đi học, thì trẻ khó có thể rời xa vòng tay ba mẹ để ham muốn đến trường. Trẻ em vốn dễ bị tổn thương, chê trách trẻ mắc lỗi không bao giờ là phương pháp giáo dục nhân văn, thay vào đó là động viên an ủi, khuyến khích trẻ làm việc tốt…” - cô Vân nói.
Những năm đầu đời rất quan trọng trong hình thành nhân cách của trẻ sau này, nên cần hiểu tâm sinh lý của từng trẻ để đáp ứng nhu cầu phù hợp từng lứa tuổi trong chăm sóc, giáo dục.
Ví dụ như trong nuôi dưỡng và chăm sóc, đối với trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì, Trường Mầm non Sơn Ca có chế độ ăn uống và chăm sóc đặc biệt hơn: cho trẻ béo phì tập các bài tập tăng lượng vận động hoặc dành thêm thời gian dỗ dành trẻ suy dinh dưỡng ăn đảm bảo đủ suất, ngủ đẫy giấc.
Cô Vân thường tâm sự với đồng nghiệp trẻ: Khi giáo viên thực sự là người mẹ thứ hai của trẻ, thì mới chăm sóc, giáo dục trẻ chu đáo. Có khi chỉ bằng ánh mắt khích lệ khi trẻ tiến bộ hoặc khi làm được điều hay; có khi chỉ bằng nụ cười trìu mến hay cái nắm tay ấm áp… trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo dành cho mình và cảm nhận được sự an toàn khi đến trường…