Phố bao giờ xanh?

QUỐC TUẤN 19/11/2022 09:42

Khi phố đang từng ngày phải hứng chịu nhiều áp lực, tổn thương hơn, mong mỏi về đô thị xanh càng đau đáu trong mắt thị dân và những người yêu phố.

TP.Tam Kỳ xác định phát triển theo hướng “Tam Kỳ - thủ phủ xanh” và hiện đang tham gia Chương trình thung lũng đô thị thông minh miền Trung, Việt Nam. Ảnh: Q.T
TP.Tam Kỳ xác định phát triển theo hướng “Tam Kỳ - thủ phủ xanh” và hiện đang tham gia Chương trình thung lũng đô thị thông minh miền Trung, Việt Nam. Ảnh: Q.T

Chọn lối đi xanh

Khi phát triển xanh đã trở thành xu thế, hầu khắp đô thị trên địa bàn tỉnh đã và đang lựa chọn, khẳng định phát triển theo hướng đô thị xanh. Tam Kỳ có lẽ là đô thị bắt nhịp sớm nhất với xu thế này khi đạt giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015” do Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) trao tặng.

Tam Kỳ cũng xác định phát triển theo hướng “Tam Kỳ - thủ phủ xanh” và đang tham gia “Chương trình thung lũng đô thị thông minh miền Trung, Việt Nam” do Koica tài trợ.

Hội An với định hướng trở thành thành phố “sinh thái - văn hóa - du lịch” dĩ nhiên cũng định vị “xanh” là tiêu chí quan trọng xuyên suốt trên đường phát triển.

Đề án “Bảo vệ môi trường TP.Hội An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035” của thành phố xác định đến năm 2035 sẽ hoàn thành tiêu chí “xanh” để xây dựng thành công một Hội An “thoáng - xanh - sạch - đẹp”.

Sau giai đoạn phát triển “nóng” đô thị, Điện Bàn cũng đang dần định hình lại lối mở cho thị xã.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, trong giai đoạn tới Điện Bàn định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái và thông minh. Sau khi tỉnh phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Điện Bàn thì thị xã sẽ triển khai ngay các quy hoạch phân khu. Từ đó tập trung hút các dự án sử dụng ít đất nhưng tăng tiện ích, yếu tố xanh để bảo đảm đô thị có tính chất sinh thái, văn hóa, bền vững.

Nghị quyết 46 của HĐND tỉnh vừa ban hành trong tháng 10/2022 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, tổ chức thực hiện quản lý quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã xác định nhiệm vụ phát triển hệ thống đô thị Quảng Nam xanh, thông minh, hạ tầng đồng bộ, đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh gắn với bảo tồn phát huy các giá trị di sản, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, biển đảo. Như vậy, có thể thấy, con đường chung của các đô thị cũ và mới đều sẽ nhất quán về phát triển xanh để hình thành một mạng lưới đô thị Quảng Nam có bản sắc.

Ngổn ngang giấc mơ xanh

Theo Sở Xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đô thị nhiều nơi hiện vẫn thiếu đồng bộ, chủ yếu là khu dân cư hiện hữu, hình thành từ lâu. Công tác chỉnh trang đô thị tuy có thực hiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn kinh phí, nhất là chỉnh trang trục cảnh quan chính của đô thị, ngõ, hẻm. 

Chỉnh trang - khái niệm khiến thị dân cư ngụ ở các góc phố bị “bỏ quên”, nhất là tại khu vực vùng đông đang đau đáu. Họ từng ấp ủ về một cuộc trở mình của làng quê và rồi hụt hẫng với năng lực của các nhà đầu tư lần lượt rời đi cùng bao hứa hẹn. Giờ đây, cơ quan chức năng sẽ đóng vai trò kiến thiết lại những khu vực này để phố thôi nhá nhem trước khi nghĩ xa hơn về xanh hay sinh thái…

Cũng vì không đồng bộ hạ tầng, tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa xảy ra thường xuyên một số nơi ở Tam Kỳ, Hội An, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc… Một số khu dân cư hiện hữu, chưa được lồng ghép với dự án khu đô thị mới liền kề để đầu tư chỉnh trang, dẫn đến thiếu đồng bộ, nhất là lệch cốt nền gây khó khăn trong việc thoát nước.

Thừa nước đọng, thiếu nước sạch là thực trạng dở khóc, dở cười với không ít thị dân. Tỷ lệ thị dân sử dụng nước sạch tập trung tại thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) mới đạt 31% hay thị trấn Tân An (Hiệp Đức) cũng chỉ khoảng 38%…

Trong khi đầu vào nước sạch chưa đầy đủ thì đầu ra nước thải cũng đang là vấn đề của phố. Tại Hội An, thực tế hiện nay mạng lưới thu gom và xử lý nước thải tập trung của thành phố mới đáp ứng được 60% nhu cầu, đè nặng thêm áp lực giữ môi trường xanh cho đô thị cổ.

Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, các huyện thị, thành phố cần lưu ý xác định danh mục, lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị chỉnh trang, bảo tồn, tái thiết cho từng giai đoạn, phù hợp các giai đoạn của quy hoạch chung đô thị đã duyệt. Như vậy mới đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị (đặc biệt là hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư). 

Giữa bao toan tính, khát vọng lớn lao về phố của cơ quan hoạch định, tất cả thị dân đều mong muốn góc phố của mình xanh hơn từ những điều giản đơn, thiết yếu nhất.

QUỐC TUẤN