Dịch sốt xuất huyết tại Đại Lộc có dấu hiệu hạ nhiệt
(QNO) - Dù vẫn đang ở mức báo động cao nhưng tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Đại Lộc đã có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo sẽ sớm qua giai đoạn đỉnh điểm.
Đó là thông tin nổi bật tại buổi kiểm tra, làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh SXH và tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại huyện Đại Lộc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì vào sáng nay 18/11.
Dấu hiệu tích cực
Theo báo cáo của UBND huyện Đại Lộc, đến chiều 16/11, toàn huyện có 1.357 ca SXH Dengue, không có ca tử vong, ca mắc tập trung tại thị trấn Ái Nghĩa (158 ca), xã Đại Quang (161 ca), Đại Hiệp (153 ca)...
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, một điểm khá thuận lợi cho địa phương trong công tác phòng chống dịch SXH là có Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đóng tại thị trấn Ái Nghĩa nên đã tiếp nhận hầu hết các bệnh nhân để điều trị.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận và điều trị cho 4.928 bệnh nhân SXH, trong đó chuyển viện 37 ca. Ông Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho hay, bệnh viện đã tận dụng khu vực hành lang kê thêm giường; tăng cường nhân lực tối đa từ các khoa để hỗ trợ cho Khoa Nhi, Khoa Truyền nhiễm trong bối cảnh bệnh nhân SXH tăng cao trong thời gian.
Theo UBND xã Đại Quang (xã có số ca mắc SXH cao nhất Đại Lộc), trong vòng 10 ngày qua xã không ghi nhận ca mắc SXH mới. Đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Ái Nghĩa, UBND xã Đại Cường cũng xác nhận tình hình ca mắc mới giảm mạnh, nhiều bệnh nhân đã xuất viện.
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam nhận định, SXH là bệnh truyền nhiễm và có chu kỳ, từ năm 2019 tới năm nay là năm đỉnh dịch. Qua theo dõi, hiện tại Quảng Nam đang ở đỉnh dịch (từ tuần 38-46). Có thể tuần sau số ca mắc tại Đại Lộc nói riêng và toàn tỉnh nói chung sẽ còn cao và sau đó giảm dần.
Tiếp tục tích cực dập dịch
Theo ngành chuyên môn, dịch SXH tại Đại Lộc đã bước đầu hạ nhiệt, dù vậy do số ca mắc vẫn còn rất cao cộng với thời tiết thất thường tạo môi trường thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển nên địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để dập, kiểm soát dịch.
Một số địa phương của huyện kiến nghị, do quy trình nên công tác phun hóa chất tại các khu vực có dịch SXH gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Văn khuyến cáo, việc phun hóa chất khử trùng dịch SXH cần được thực hiện hợp lý đảm bảo hiệu quả và tránh ô nhiễm môi trường; chú ý phun tại khu vực giáp ranh giữa ổ dịch và vùng an toàn cũng như khẩn trương phun tại các trường học nằm trong khu dân cư bởi đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.
Còn lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc cho rằng, chính quyền các xã, thị trấn cần tiếp tục tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về cách phòng dịch SXH, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc diệt lăng quăng chứ không chỉ diệt muỗi trưởng thành.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc, thời gian đến địa phương tiếp tục phát huy tổ xung kích đến từng nhà tuyên truyền về chống SXH; đẩy mạnh truyền thông qua nhiều kênh để người dân chủ động phòng muỗi đốt; triển khai cho các hộ gia đình lập cam kết về việc gia đình không có lăng quăng; thường xuyên phát bài viết về phòng chống dịch SXH ngay sau khi xuất hiện các đợt mưa dông...
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cũng nghiêm túc cập nhật ca bệnh SXH vào phần mềm theo Thông tư 54 tạo thuận lợi cho Trung tâm Y tế huyện trong công tác giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ kịp thời.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đánh giá cao công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 của huyện Đại Lộc, nằm trong tốp đầu các địa phương có tỷ lệ tiêm cao của tỉnh. Ông Trần Văn Tân cũng đề nghị Đại Lộc tiếp tục quyết liệt đôn đốc tiến độ tiêm vắc xin. Phấn đấu đến hết tháng 11/2022, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 và mũi 2 cho trẻ em từ 5-12 tuổi phải đạt hơn 80%; tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-18 tuổi đạt hơn 90%.