Thúc đẩy du lịch văn hóa
Hầu hết sự kiện, hoạt động trong dịp tổng kết Năm du lịch quốc gia 2022 sẽ mang sắc màu hoặc lồng ghép yếu tố văn hóa, một thế mạnh lâu nay của du lịch Quảng Nam.
Từ đầu tháng 12, trên khắp địa bàn tỉnh sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động trước, trong và sau lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2022. Tại Hội An dịp này sẽ có Liên hoan hát dân ca và hô hát bài chòi thành phố, liên hoan ẩm thực toàn quốc, trình diễn nghệ thuật “Hội An - Sắc màu của lụa”, lễ hội Văn hóa trà lần thứ nhất…
Tại TP.Tam Kỳ diễn ra triển lãm tranh - tượng nghệ thuật Quảng Nam. Ở Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) diễn ra chương trình “Huyền thoại Apsara”. Tiên Phước khai trương sản phẩm du lịch cộng đồng Làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên. Tây Giang tổ chức Tuần lễ văn hóa Tây Giang…
Điểm nhấn thú vị của chuỗi hoạt động này là phần lớn dựa trên nền tảng giá trị văn hóa. Là các điểm đến gắn với giá trị bản địa. Là các làng nghề, làn điệu gắn với quá trình hình thành vùng đất. Và cả việc khơi gợi nét đẹp của các sản vật đặc trưng của quê xứ từng một thời nức tiếng xa gần. Thông qua du lịch, các yếu tố, giá trị văn hóa bản địa được kỳ vọng sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn đến du khách.
Ông Hồ Công Luận - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tiên Phước cho hay, dịp này tại làng cổ Lộc Yên sẽ làm mới một số điểm “check-in” phục vụ du khách, từ đó tạo tiền đề để tổ chức Hội làng Lộc Yên và lễ hội Măng cụt vào năm sau với quy mô tầm cỡ hơn trước đây.
Để tăng thêm nguồn lực tổ chức cũng như tạo ra nét đặc sắc, phù hợp với thị hiếu du khách, nhiều sự kiện trong số này sẽ kết hợp xã hội hóa. Trong đó, lễ hội văn hóa trà (Hội An) có sự đồng hành của cộng đồng Yêu trà Việt, Tuần lễ văn hóa Tây Giang có sự đồng hành của Công ty UMOVE (thuộc tập đoàn TAAD)…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, đến giờ phút này ngành du lịch của Quảng Nam có bước phục hồi khả quan sau đại dịch Covid-19 với định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững. Với bề dày lịch sử, đặc trưng của văn hóa Quảng Nam, cần xác lập nền tảng văn hóa trong phát triển du lịch.
Các hoạt động du lịch phải được thiết lập trên nền tảng văn hóa, nương tựa phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn các giá trị đặc trưng. Đây cũng là lối mở để giảm áp lực cho di sản, giữ gìn, tái tạo môi trường bền vững cho các giá trị văn hóa truyền thống.
Mới đây, trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards tại Oman, Việt Nam cũng đã được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2022. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa cũng đã được xác định là một trong số các ngành công nghiệp văn hóa và đóng góp tỷ lệ quan trọng trong tổng doanh thu của ngành du lịch Việt Nam.