Không để ai bị bỏ lại phía sau

HÀN GIANG 18/11/2022 08:14

Chăm lo thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, giúp đỡ trường hợp yếu thế trong xã hội đã trở thành sự quan tâm thường trực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; được cụ thể hóa bằng những cách làm hiệu quả, thiết thực với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư năm 2022. Ảnh: N.Đ
Tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư năm 2022. Ảnh: N.Đ

Nhiệm vụ hàng đầu

Trong ngày hội đại đoàn kết năm nay, điểm đáng chú ý ở báo cáo của mỗi khu dân cư đều thông tin về kết quả rà soát, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của năm.

Bởi công tác giảm nghèo bền vững được Quảng Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được cụ thể hóa bằng nghị quyết ở mỗi nhiệm kỳ của Tỉnh ủy; với những giải pháp, cách làm phù hợp. Trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho khu vực miền núi nhằm trợ lực, giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 33.127 hộ, tỷ lệ 7,59% (tăng 10.759 hộ, tương ứng tăng 2,36% so với năm 2020). Hộ nghèo tập trung phần lớn ở khu vực 6 huyện miền núi cao của tỉnh.

Bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My chia sẻ, công tác giảm nghèo của miền núi luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể.

Cùng với cuộc vận động giàu ý nghĩa nhân văn “3 cán bộ, công chức, lao động giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững”, những năm qua, tại địa phương đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác để phát triển sản xuất.

Giai đoạn 2016 - 2020 có 4.805 lượt hộ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, với nguồn vốn được giải ngân hơn 173 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được tập trung chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi (mua giống trâu, bò, heo đen...) và mua các giống cây dược liệu, trồng sâm Ngọc Linh...

“Qua chính sách tín dụng ưu đãi mà người nghèo mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, đã hình thành một số nhóm hộ chăn nuôi số lượng lớn, nhóm hộ đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, trồng cây dược liệu, cây quế Trà My với quy mô lớn; trách nhiệm và kinh nghiệm sử dụng vốn vay hiệu quả hơn. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần mang lại kết quả giảm nghèo bền vững trên địa bàn” - bà Thương nói.

Đồng bộ, hiệu quả

Là cán bộ phụ trách theo dõi công tác giảm nghèo bền vững từ nhiều năm nay, ông Hồ Xuân Khanh - Thường trực Văn phòng giảm nghèo tỉnh cho hay, để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương.

Đồng thời bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn nghèo nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, gắn với phong trào “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới”. Một trong những cách làm hiệu quả là mô hình kết nghĩa, giúp đỡ giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận, các hội đoàn thể, địa phương đồng bằng với các huyện, xã miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh.

“Từ khi tái lập tỉnh, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, Quảng Nam đã triển khai thực hiện công tác này và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo bằng chỉ thị, trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, phân công cho từng sở, ban, ngành, Mặt trận, các hội đoàn thể kết nghĩa với xã, huyện kết nghĩa với huyện...” - ông Khanh nói.

Ở nhiệm kỳ này, phương thức hỗ trợ trong công tác kết nghĩa có sự đổi mới, theo định hướng tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư, hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương.

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền của tỉnh; giao chỉ tiêu giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo trên địa bàn xã được nhận kết nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói: “Công tác giảm nghèo bền vững được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện một cách rất đồng bộ, hiệu quả. Nhận thức về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, đem lại nhiều kết quả”.

HÀN GIANG