Giềng mối xóm làng vùng cao
Bằng tinh thần cố kết cộng đồng, giềng mối xóm làng ở vùng cao ngày càng được nâng lên rõ nét và bền chặt.
Vài tháng trước, cộng đồng người Cơ Tu ở thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) bước vào hội làng truyền thống. Sau 3 hồi trống, từ trong những ngôi nhà, cộng đồng người Cơ Tu lũ lượt ùa về chật kín không gian của gươl, cùng chứng kiến lễ hội nhập làng. Trống chiêng nổi lên, điệu múa tân tung - da dá nhịp nhàng theo một vòng tròn lớn, rực rỡ trong sắc màu thổ cẩm Cơ Tu đầy quyến rũ.
Ông Bh’ling Phát - Trưởng thôn Pơr’ning nói với tôi, đã rất lâu, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cuộc hội ngộ của dân làng mới tái diễn. Vì thế, không lạ khi sự hào hứng được thể hiện ngay thời điểm lễ hội vừa bắt đầu và mải miết cho đến khi cuộc vui kết thúc.
Đây là lần thứ 3 người dân Pơr’ning được chứng kiến và tham gia lễ hội lớn của cộng đồng ngay tại làng mình. Lần trước là dịp khai hội về làng mới và kết nghĩa anh em với làng lân cận.
“Điểm chung của các lễ hội này, ngoài tập hợp được sự góp mặt đông đủ dân làng, các nghi thức diễn ra đều được tổ chức theo quy mô hội làng truyền thống, phục vụ du khách tham quan, chứng kiến và cùng trải nghiệm” - ông Phát chia sẻ.
Bí thư Chi bộ Pơr’ning - Clâu Nhức kể, năm 2019, ông Arâl L., một người dân trong làng mất do bạo bệnh. Nhà quá khó khăn, vợ con ông L. không sắm kịp quan tài để lo hậu sự. Sau hội ý nhanh giữa già làng và cán bộ thôn, ông đã đứng ra mượn một chiếc quan tài từ hộ khác để hỗ trợ gia đình có người mất. Sau này, vì thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của Arâl L., chiếc quan tài đó cũng được làm “quà biếu” cho người quá cố.
Để chuẩn bị cho ngày hội đoàn kết này, từ nhiều tháng trước, cộng đồng làng Pơr’ning đã họp bàn cách thức tổ chức, đồng thời phân công thanh niên vào rừng kiếm nguyên vật liệu để tu sửa gươl chính và các gươl tộc họ chuẩn bị đón khách.
Từng hộ dân đảm nhận công việc cho riêng mình, họ vận động người thân góp công sức, của cải và tinh thần phục vụ lễ hội. Vì thế, trước ngày hội làng chính thức diễn ra, từng lon gạo, bó củi, con gà, ghè rượu cần… được mang đến, cùng đóng góp cho cuộc vui chung của cộng đồng.
Già làng Pơr’ning - ông Clâu Nhấp cho hay, làng mới Pơr’ning được hình thành trên mặt bằng tái định cư hiện tại vào năm 2003. Hồi đó, cám cảnh cuộc sống chênh vên trên ngọn núi, ông cùng già làng Cơlâu Nâm (nay đã mất) vận động dân làng Pơr’ning theo chủ trương của chính quyền hiến đất làm không gian sống mới, như bây giờ.
Từ cuộc vận động này, không lâu sau đó, ngoài gươl chính, hàng loạt gươl tộc họ được dựng lên, giúp làng Pơr’ning mở hướng làm du lịch. Những gắn kết, cứ thế được tô đậm trong cuộc sống cộng đồng, tạo nên một Pơr’ning cộng cư bền chặt, mang vẻ đẹp thuần khiết của tình người vùng cao.
“Chúng tôi xác định, có đoàn kết thì mới thành công. Nếu không có sự đồng lòng, việc chọn đất lập làng sống chung ở vùng cao sẽ rất khó khăn” - già Clâu Nhấp nhấn mạnh.
Nhắc đến việc lập làng làm tôi nhớ đến khu dân cư Bút Tưa (thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) ngày trước. Năm 2014, sau sự cố về “con ma rừng” khiến nhiều hộ dân rời bỏ nhà cửa để tìm vùng đất mới an cư.
Ngay lập tức, cộng đồng làng tổ chức một cuộc họp khẩn, trưng cầu ý kiến người dân xin đất dựng nhà giúp các hộ mới chuyển đến ổn định cuộc sống. Người làng lần lượt đồng ý, nhiều hộ dân hiến cả hàng nghìn mét vuông đất vườn giúp người làng vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.
Nhiều năm nay, khi cuộc sống đã ổn định trở lại, ngày buồn xưa cũ không còn nghe ai nhắc đến. Đọng lại trong niềm nhớ của mỗi người, bây giờ, chỉ riêng câu chuyện về tinh thần cố kết cộng đồng vùng cao…