Sáng nay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Thái Lan
(QNO) - Sáng 16/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân Trần Nguyệt Thu có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành và Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.
Tham gia đoàn còn có lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương có các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm.
Chuyến thăm và làm việc diễn ra từ ngày 16 đến 19-11.
Chuyến đi này là dịp Việt Nam tiếp tục tăng cường, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, đồng thời khẳng định các nỗ lực đóng góp vào chương trình nghị sự quan trọng của APEC và cộng đồng quốc tế.
Quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã tiếp đà phát triển tích cực, bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Thái Lan đã thể hiện sự coi trọng và mong muốn củng cố, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam. Kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (1976 - 2021) trong giai đoạn dịch bệnh nặng nề, hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Việt Nam và Thái Lan cũng đã chú trọng duy trì hoạt động cấp cao. Tháng 5-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm và gặp song phương Thủ tướng Thái Lan dịp Hội nghị COP26 và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kim ngạch thương mại hai nước đạt 18,8 tỉ USD trong năm 2021, cao nhất từ trước tới nay, và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Tình hình khôi phục kinh tế hậu đại dịch diễn biến khả quan, Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha dành ưu tiên cao cho Năm APEC 2022, đẩy mạnh đối ngoại đa phương, chủ động đưa ra các sáng kiến trong lĩnh vực phát triển bền vững và kinh tế số.
Năm 2022 cũng có ý nghĩa quan trọng đối với APEC vì đây là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hướng tới xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình.
Trong chuyến đi lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện sự tham gia, đóng góp tích cực đối với khu vực và quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương, quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Thái Lan cũng như các thành viên chủ chốt của APEC trong việc duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở của APEC.