Bắc Trà My nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

HÀN GIANG 15/11/2022 08:53

Từ tháng 9/2022, huyện Bắc Trà My xây dựng danh mục dự án, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư năm 2023, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm, điều chuyển vốn dự án đầu tư không triển khai thi công… để giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các dự án liên quan đến phòng chống thiên tai bão lũ, sạt lở đất trên địa bàn huyện Bắc Trà My chậm được giải ngân do vướng khâu giải phóng mặt bằng và sự bất lợi của thời tiết. Ảnh: TRÀ MY
Các dự án liên quan đến phòng chống thiên tai bão lũ, sạt lở đất trên địa bàn huyện Bắc Trà My chậm được giải ngân do vướng khâu giải phóng mặt bằng và sự bất lợi của thời tiết. Ảnh: TRÀ MY

Bất hợp lý trong bố trí vốn

Tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh ngày 9/11 vừa qua, UBND huyện Bắc Trà My cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện thời gian qua thuộc tốp thấp của tỉnh. Một số dự án lớn khởi công chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp so với cùng kỳ năm trước, đến nay mới đạt 25,9%.

Mặc dù ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và đề xuất chủ đầu tư thực hiện dự án gửi các sở, ngành thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án theo đúng quy định.

Theo UBND huyện Bắc Trà My, nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện thấp do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Nhiều hộ dân chưa đồng tình với mức giá bồi thường diện tích đất bị ảnh hưởng, trong khi một số địa phương chưa tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động. Đến ngày 20/6/2022 UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND quy định bồi thường về đất vườn nên công tác GPMB bị chậm trễ.

Thời tiết cuối năm 2021 và đầu năm 2022 mưa nhiều, đặc biệt, trong những tháng mùa khô nhưng thường xảy ra mưa dông vào buổi chiều cũng ảnh hưởng đến thi công dự án; giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng đột biến nên các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc tập kết vật tư, vật liệu để thi công xây dựng công trình.

Thời điểm cấp trên bố trí nguồn vốn chưa hợp lý cũng là nguyên nhân khiến cho các dự án giải ngân chậm.

Theo ông Phan Duy Hưng - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Bắc Trà My, tính đến hết tháng 10/2022, huyện đã giải ngân được khoảng 79 tỷ đồng/102 tỷ đồng trong kế hoạch ngân sách tỉnh năm 2021 được phép kéo dài. Trong đó, có 4 dự án còn có nguồn vốn lớn, được tỉnh cấp từ nguồn của Trung ương để thực hiện phòng chống thiên tai bão lũ trên địa bàn - cấp vào tháng 1/2022 vẫn chưa được giải ngân hết.

Cụ thể là dự án khắc phục thiệt hại do các đợt bão lũ trong tháng 9 và 10 năm 2021 của đường giao thông thôn 3, thôn 4 (cũ) xã Trà Ka (4 tỷ đồng); các tuyến đường giao thông xã Trà Bui (8 tỷ đồng); kè chống sạt lở khẩn cấp và hạ độ cao khu dân cư đồi Bảo An (3 tỷ đồng); dự án hạ độ cao, kè chắn đất và hệ thống thoát nước giảm thiểu tình trạng sạt lở đất đồi Bảo An (thị trấn Trà My, 7,5 tỷ đồng).

Ông Hưng cho rằng, ngày 26/1/2022 tỉnh cấp vốn cho huyện để thực hiện 4 dự án trên, nhưng tính niên độ của năm 2021. Nếu tính như vậy thì huyện không thể nào giải ngân nguồn vốn đầu tư cho kịp được.

Còn các dự án đầu tư thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Trung ương bố trí nguồn vốn hơn 113,9 tỷ đồng, nhưng cấp vào tháng 9 năm nay, huyện đang tham mưu thực hiện các bước để phê duyệt hồ sơ.

Nỗ lực của địa phương

Ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện rất chủ động trong việc thực hiện các dự án đầu tư công, vấn đề giải ngân. Tổng vốn đầu tư năm 2022 của huyện không nhiều, khoảng 126 tỷ đồng, đã giải ngân được 60 tỷ đồng. Những công trình chậm giải ngân của huyện thuộc diện huyện xin nguồn từ ngân sách dự phòng tỉnh để thực hiện các dự án phòng chống sạt lở do thiên tai và nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

“Dự án nào cũng dính đến giải tỏa bồi thường, giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo huyện phải thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động thì người dân mới đồng thuận, gỡ vướng. Đối với dự án kè chống sạt lở thì phải hoàn thành giải phóng mặt bằng mới triển khai thi công chứ không mưa lũ sẽ gây sạt lở, đe dọa an toàn cho người dân” - ông Toại nói.

Với những khó khăn trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, UBND huyện đã có báo cáo giải trình HĐND huyện tại Kỳ họp thứ 8 ngày 2/11 vừa qua. Theo đó, HĐND huyện đã thống nhất bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 và danh mục dự án thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư từ dự kiến kế hoạch đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói, huyện luôn ưu tiên đối với các công trình, dự án liên quan đến phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Việc chậm giải ngân còn do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách rất cần được tháo gỡ. Chủ động hơn trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư năm 2023, từ tháng 9/2022, UBND huyện xây dựng danh mục dự án thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để trình HĐND quyết định bằng nghị quyết. Trên cơ sở đó tiến hành thực hiện các quy trình, thủ tục hồ sơ theo quy định nhằm nỗ lực giải ngân đúng tiến độ.

Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án đầu tư không triển khai thực hiện, bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án có khối lượng, đẩy nhanh việc hoàn thành, bàn giao và sử dụng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo công tác an sinh trên địa bàn huyện.

HÀN GIANG