Phụ nữ Điện Bàn khởi nghiệp

VĨNH LỘC 15/11/2022 06:41

Trong 5 năm gần đây, rất nhiều phụ nữ thị xã Điện Bàn đã khởi nghiệp thành công, qua đó tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần lan tỏa nguồn cảm hứng cho các chủ thể khởi nghiệp địa phương phát triển.

Ngày càng có nhiều phụ nữ Điện Bàn khởi nghiệp thành công với các mô hình khởi nghiệp. Ảnh: V.L
Ngày càng có nhiều phụ nữ Điện Bàn khởi nghiệp thành công với các mô hình khởi nghiệp. Ảnh: V.L

Hiệu quả

Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hương Bột (phường Vĩnh Điện) là một trong những mô hình khởi nghiệp thành công do phụ nữ làm chủ. Khởi phát năm 2015 chủ yếu bán hàng ngũ cốc online, năm 2019 cơ sở bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh với việc xây dựng nhà xưởng chế biến sản phẩm ngũ cốc và trà thảo mộc.

Đến nay, thị trường tiêu thụ của Hương Bột đã lan tỏa các địa phương Tam Kỳ, Hội An..., đồng thời mở rộng đến nhiều thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… Doanh thu của cơ sở này mỗi tháng gần 150 triệu đồng.

Tại Điện Bàn ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ khởi nghiệp, không ít mô hình thành công có quy mô và sản phẩm đa dạng, đạt chuẩn OCOP, qua đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Có thể kể đến một số mô hình khởi nghiệp như: Cơ sở thực phẩm chay Nhuận Minh (Điện Trung), Cơ sở nước mắm Hà Quảng (Điện Dương), Công ty TNHH Măng Tây Xanh Miền Trung (Điện Quang)… Hầu hết đều khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Bà Trần Thị Thuận - chủ Cơ sở nước mắm Hà Quảng chia sẻ, khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương không chỉ giúp bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa làng nghề mà còn tạo sinh kế và thu nhập cho người dân.

Làng Hà Quảng, Điện Dương từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm từ mắm cá biển. Tương tự các mô hình khởi nghiệp khác, sản phẩm nước mắm của bà Thuận đã được công nhận OCOP 3 sao nên càng được nhiều khách hàng ưa chuộng, hiện đã có mặt tại một số tỉnh, thành trong cả nước.

Ra mắt CLB Phụ nữ khởi nghiệp Điện Bàn. Ảnh: VL
Ra mắt CLB Phụ nữ khởi nghiệp Điện Bàn. Ảnh: VL

Tính đến cuối tháng 10, trong tổng số hơn 5.500 chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ quy mô vừa và nhỏ đăng ký hoạt động trên địa bàn thị xã, có khoảng 2.640 chủ cơ sở là nữ.

Theo bà Lê Thị Hương - chủ Cơ sở sản xuất Hương Bột, phụ nữ khởi nghiệp có những thuận lợi nhất định như được sự quan tâm, đồng hành của các hội, đoàn thể phụ nữ địa phương và thị xã thông qua các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là được hỗ trợ nguồn vốn vay từ các chương trình, chính sách dành cho phụ nữ…

Mới đây, bà Hương cũng đã được vay 100 triệu đồng từ nguồn này để đầu tư thêm cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dù không nhiều nhưng với các mô hình khởi nghiệp đây là số tiền khá quan trọng.

Đồng hành phụ nữ khởi nghiệp

Theo ông Phạm Khắc Thịnh - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo thị xã Điện Bàn, để khởi nghiệp thành công không hề dễ dàng, với phụ nữ càng khó khăn hơn, bởi khởi nghiệp thành công là một quá trình dài đầy gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và có kiến thức khởi nghiệp, chưa kể nguồn vốn và sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường.

“Ý tưởng chỉ là ban đầu, việc đầu tư thực hiện ý tưởng đó để tạo ra sản phẩm mới quan trọng, chưa kể khả năng tìm kiếm thị trường cho sản phẩm sống được, tiếp đến là đầu tư để tăng quy mô sản xuất.

Đây là giai đoạn rất khó khăn, hầu như đa số người khởi nghiệp đều gặp trở ngại về vốn và mặt bằng sản xuất nên cần có sự đồng hành hỗ trợ từ phía Nhà nước và các hội, ngành liên quan” - ông Thịnh nói.

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Điện Bàn đã ra mắt câu lạc bộ “Phụ nữ Điện Bàn khởi nghiệp” với 25 thành viên đến từ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị xã.

Bà Nguyễn Thị Nam Hải - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Điện Bàn, Chủ nhiệm câu lạc bộ khẳng định, việc ra đời câu lạc bộ là cột mốc quan trọng nhằm tập hợp phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiện thực hóa ý tưởng cũng như nâng cao kiến thức về quản lý kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt giúp việc liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ sản xuất hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Những năm qua, bên cạnh tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ, Hội LHPN Điện Bàn cũng đã chủ động kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, như tổ chức cho phụ nữ khởi nghiệp tham gia “Hội chợ Xuân online”, xây dựng trang fanpage quảng bá sản phẩm OCOP…

Hội giúp nhiều phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, ước khoảng 6 tỷ đồng đã được giải ngân giúp 121 phụ nữ đầu tư trang bị các phương tiện máy móc khởi nghiệp, kinh doanh.

“Xây dựng thành công các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ không chỉ giúp tạo sinh kế, thu nhập cho chị em mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn là bình đẳng giới, nên chúng tôi rất quan tâm và tạo mọi điều kiện, nguồn lực hỗ trợ nếu có thể.

Tuy vậy, cũng như các mô hình khởi nghiệp khác, yếu tố về vốn và mặt bằng sản xuất được xem là mấu chốt để các mô hình khởi nghiệp thành công, do đó đòi hỏi nhiều hơn nữa sự đồng hành, hỗ trợ, chính sách từ các cơ quan liên quan” - bà Nguyễn Thị Nam Hải chia sẻ.

VĨNH LỘC