APEC 2022: Thảo luận vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu

QUỐC HƯNG 14/11/2022 14:22

(QNO) - Từ ngày 14  - 19/11, Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) nhằm tìm giải pháp ngăn suy thoái kinh tế, tiến tới phục hồi bền vững sau đại dịch.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Queen Sirikit ở thủ đô Bangkok (Thái
Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit ở thủ đô Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Gettyimages

Theo tờ Bangkok (Thái Lan), Hội nghị thường niên APEC 2022 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bao gồm khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối mặt nhiều thách thức.

Ông Ndiame Diop - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách Brunei, Malaysia, Philippines và Thái Lan cho biết, nền kinh tế toàn cầu hiện đối phó với các cuộc khủng hoảng chồng chéo.

Các quốc gia bắt đầu hồi phục sau đại dịch COVID-19 và giảm các chính sách hỗ trợ trong khi xung đột địa chính trị, đại dịch gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng, nhiều quốc gia đối mặt lạm phát gia tăng, thắt chặt tài chính khi lãi suất tăng.

Dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, tăng trưởng kinh tế thế giới ​​sẽ giảm xuống 3,2% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023, từ mức 6% vào năm 2021. Các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương phải chịu gánh nặng từ rủi ro kinh tế toàn cầu.

Các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương cũng không tránh khỏi tình trạng suy thoái và thắt chặt tài khóa toàn cầu.

Cả WB, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng nhiều tổ chức tài chính lớn khác đều nhận định, nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2023 đang gia tăng khi các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất để chống lạm phát.

Lạm phát toàn cầu hiện ở mức cao nhất trong 14 năm, dự kiến ​​sẽ duy trì ở đại đa số các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển cho đến năm 2023.

Vì vậy, ông Ndiame Diop chỉ ra rằng, cách các chính phủ ứng phó với những thách thức ngày nay cũng sẽ định hình phát triển trong dài hạn. Các quốc gia phải giảm thiểu những rủi ro lớn trong khi nắm bắt những cơ hội ít ỏi.

Ông Ndiame Diop đưa ra các giải pháp hành động để ứng phó rủi ro kinh tế hiện nay. Đó là các chính phủ cần cải thiện hiệu quả chính sách tài khóa để hỗ trợ, phục hồi và tăng trưởng, giảm rủi ro liên quan đến thắt chặt tài chính toàn cầu, cải cách các chính sách liên quan đến thương mại đối với hàng hóa, khuyến khích lan tỏa ứng dụng công nghệ.

Ông Cherdchai Chaivaivid - Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về cách thúc đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương vượt qua những thách thức kinh tế toàn cầu đang diễn ra để hướng tới phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm từ COVID-19.

"Nếu bạn muốn phát triển nhanh chóng, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn phát triển bền vững, hãy đi cùng nhau" - Chủ tịch Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul nói.

Trong vai trò chủ nhà, Thái Lan đề xuất chủ đề của Năm APEC 2022 "Rộng mở - kết nối - cân bằng".  Theo đó, nội dung hợp tác APEC tập trung vào 3 ưu tiên: thương mại và đầu tư mở với tất cả cơ hội; khôi phục kết nối trên mọi phương diện; thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh.

APEC bao gồm 21 nền kinh tế trong đó có Việt Nam, chiếm 38% dân số thế giới, xấp xỉ 61% GDP toàn cầu và 47% thương mại hàng hóa và dịch vụ. Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hoá kinh doanh; hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

QUỐC HƯNG