Chống ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ: Phân lũ và kiểm soát lũ ngoại lai

XUÂN PHÚ 14/11/2022 08:28

Từ nhận diện nguyên nhân ngập lụt đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận, nhiều giải pháp được đưa ra tại hội thảo khoa học giữa kỳ đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ do Sở KH-CN phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức cuối tuần qua. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng - PGS-TS. Đoàn Quang Vinh đồng chủ trì hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: X.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: X.P

Chống ngập từ xa

Theo PGS-TS. Nguyễn Chí Công - chủ nhiệm đề tài, sau một năm nghiên cứu và đánh giá thực địa, mở rộng không gian nghiên cứu ra các vùng phụ cận, đã xác định nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt Tam Kỳ chưa từng có là do mưa lớn cực đoan, nước trong nội đô không chảy ra được, nguồn nước ngoại lai từ phía tây (huyện Phú Ninh) và phía bắc (huyện Thăng Bình) đổ về nhiều.

Trong khi đó, hệ thống thoát nước nội đô kém, thể hiện rõ nhất qua đợt lũ lụt năm 2022. Từ đó, nhóm nghiên cứu lựa chọn giải pháp đánh giá diễn biến ngập lụt trên phạm vi toàn bộ lưu vực Tam Kỳ, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành để đề xuất phương án giảm ngập.

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, xử lý ngập nội đô phải tính toán tần suất xuất hiện để có giải pháp đầu tư công trình thích hợp vì còn phụ thuộc vào kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước. Chẳng hạn, sắp tới làm đường Hùng Vương thì hệ thống thoát nước phải tính đến, kể cả việc khớp nối thoát nước như thế nào cho hợp lý. Ngoài ra, cần khơi thông lại 5 trục tiêu cho nội đô hiện tại vì đã có nhiều bất hợp lý.

Nhấn mạnh lượng nước vùng phụ cận phía bắc Tam Kỳ rất lớn do nhận nước từ các lưu vực phía tây huyện Thăng Bình đổ về, PGS-TS. Nguyễn Chí Công khẳng định, để giảm ngập nội đô Tam Kỳ, trước hết và trên hết phải phân lũ từ sông Bàn Thạch sang sông Trường Giang qua 3 cửa trên địa phận huyện Thăng Bình, kể cả từ sông Đầm ra sông Trường Giang, để cắt giảm nguồn nước trước khi đổ về Tam Kỳ.

Qua mô phỏng, nếu 4 cửa này cùng hoạt động, nước sông Bàn Thạch tại Kỳ Phú giảm 40cm; nước sông Trường Giang tăng thêm 50cm, còn giảm mực nước sông Trường Giang bao nhiêu phụ thuộc vào đập tràn ra biển.

Đối với nguồn nước từ phía tây, kiểm soát bằng cách chuyển vào cống Ông Dung để ra sông Tam Kỳ, làm cống thoát nước ngầm dưới lòng đường Trưng Nữ Vương chạy thẳng ra sông Bàn Thạch. Vấn đề quan trọng nữa là hạ thấp mực nước sông Bàn Thạch để đẩy nhanh quá trình thoát nước.

“Điều kiện tự nhiên Tam Kỳ rất bất lợi trong thoát lũ khi nằm vùng trũng thấp, nằm xa cửa sông, cao độ đáy các sông lại thấp hơn mực nước biển. Thế nên, chỉ có các giải pháp như vậy mới giải quyết được vấn đề ngập nội đô” - PGS-TS. Nguyễn Chí Công khẳng định.

Sông Bàn Thạch cần được nạo nét để hạ mực nước, lưu thông dòng chảy. Ảnh: X.P
Sông Bàn Thạch cần được nạo nét để hạ mực nước, lưu thông dòng chảy. Ảnh: X.P

Ông Lê Viết Xê - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ chia sẻ “bản thân rất thích thú với ý tưởng đưa nước Bàn Thạch ra sông Trường Giang rồi ra biển”, song lưu ý cần có cửa vận hành, khi lũ lớn mới mở cửa để xả nước ra biển nhằm phòng tránh nước biển dâng gây xâm nhập mặn.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Trần Trung Hậu cho biết thành phố đã có đề án riêng về giảm ngập, trong đó giải pháp phân lũ phía tây qua cống ông Dung tránh đổ vào nội đô, kênh cống hộp Trưng Nữ Vương để thoát nước và kế hoạch trong năm 2023 sẽ đầu tư cống Trưng Nữ Vương. “Tuy nhiên, tôi băn khoăn về bờ kè đập tràn nước sông Trường Giang ra biển vì hiện nay bờ kè đang có đã bị nước biển tràn qua” - ông Hậu nói.

Làm rõ thêm tác động môi trường

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, phương án cắt lũ cánh phía tây và bắc là hợp lý nhưng cần lưu ý thêm việc điều tiết nước hồ Phú Ninh cũng rất quan trọng, song trong đề tài nghiên cứu chưa đề cập nhiều.

Một vấn đề nữa là dẫn nước xuống sông Trường Giang cũng cần được đánh giá và tính toán cụ thể, tránh trường hợp “khô chỗ này, ngập chỗ kia”, ngăn lũ cho nội đô Tam Kỳ nhưng gây ngập úng, thiệt hại đối với người dân hai bên sông Trường Giang.

Cho rằng hội thảo đã cung cấp cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân và đưa ra giải pháp chống ngập lụt đô thị Tam Kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, đây là cơ sở để các sở, ban, ngành và TP.Tam Kỳ điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình mới ngay từ bây giờ; đồng thời cơ quan chức năng của tỉnh đề xuất thêm hướng mở rộng đề tài nghiên cứu ngập lụt vùng phía đông.

Giải pháp đưa nước ra sông Trường Giang để phân lũ cho Tam Kỳ được xem là căn cơ. Ảnh: X.P
Giải pháp đưa nước ra sông Trường Giang để phân lũ cho Tam Kỳ được xem là căn cơ. Ảnh: X.P

Đối với nội đô Tam Kỳ cần nghiên cứu giải pháp mà tư vấn đề xuất là thoát nước qua đường Trưng Nữ Vương và cải tạo hệ thống thoát nước hiện tại, bởi dù không ngập cũng phải làm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài tiếp tục nghiên cứu, thu thập, bổ sung thêm thông tin dữ liệu để sớm nghiệm thu công trình.

“Giải pháp căn cơ nhất là phân lũ từ sông Bàn Thạch về sông Trường Giang cần nghiên cứu rất kỹ, tích hợp dự án nạo vét sông Trường Giang và luồng Cửa Lở, đánh giá tác động mực nước, môi trường, đưa ra các kịch bản nhằm đảm bảo hệ sinh thái sông, đường bờ biển, tác động của xây dựng tràn; trường hợp chưa nạo vét sông Trường Giang thì đưa nước từ sông Bàn Thạch như thế nào.

Cắt lũ từ phía bắc và tây cũng cần đánh giá thêm, tính toán lưu lượng nước đổ về, cụ thể giải quyết được bao nhiêu; trường hợp thêm hồ Phú Ninh xả lũ thì hạ lưu ngã ba sông Bàn Thạch chảy xuống ảnh hưởng ra sao cũng cần nghiên cứu” - ông Thanh nói.

XUÂN PHÚ