Từ khu vườn, nghĩ chuyện ăn...
Ngày xưa vườn nhà ngoại có cây trái đủ loại, nào mận, nào mít, mãng cầu; tiếp đến vườn rau, lúc rau cải, khi thì bắp, bao quanh là giàn mướp, giàn đậu, bí bầu. Quanh các góc sân vườn còn thấy tía tô, càng cua, ngò hay húng quế. Từ góc nhà góc vườn đó, con cháu ông bà tỏa đi muôn nơi, mấy chục năm sau nhìn lại mới nhận ra đó là góc “thiên đường” đã cũ.
Giờ đây, nhà đã ra phố, xung quanh không còn nhiều vườn tược, cây trái. Đời sống tiện lợi, chỉ cần ra siêu thị là đầy đủ thịt cá, rau quả. Và các cháu được làm quen với những thức ăn, đồ uống khác lạ mà thời ông bà không biết, như sữa dinh dưỡng chẳng hạn.
Từ một lúc nào đó, sữa thành tiêu chuẩn cho dinh dưỡng, dưỡng chất thiết yếu để phát triển toàn diện từ tầm vóc đến trí não. Sữa theo các con từ sáng tới khuya, từ nhà tới trường, từ quảng cáo cho đến “livestream”, từ sữa hạng 1 cho đến hạng n...
Mọi thứ nghĩ cũng lạ, chuyện uống sữa thôi mà đủ thứ áp lực. Một đứa trẻ sinh ra cần được bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến gần 6 tháng tuổi để có thể tập dần cho việc ăn dặm và làm quen các thực phẩm khác.
Ở đoạn tiếp theo, đứa trẻ thường được uống sữa bò cho đến lớn. Sữa bò đúng là gần như có đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ phát triển. Sữa bò giàu protein, béo, đường, giàu các nhóm vitamin B, khoáng chất như phốt pho, magie và thứ rất quan trọng hàng đầu của sữa - canxi và vitamin D. Canxi cần cho xương phát triển và cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi. Nhớ lại xem thử chúng ta uống sữa vì điều gì, vì canxi phải không? Đứa trẻ cần canxi để cao lớn phải không?
Tuy nhiên, dinh dưỡng và bổ dưỡng không phải lúc nào cũng đi với nhau. Hầu hết chúng ta luôn nhìn nhận với đồ ăn theo kiểu, cái này bổ, cái kia bổ hơn, ăn này không có chất. Bạn biết đó, hầu hết bệnh mãn tính hiện nay đều là do dư chất chứ không phải thiếu.
Chúng ta luôn có khao khát việc ăn các chất thật bổ, thật giàu dinh dưỡng, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng có lợi. Sữa nhiều chất nhưng không thể thay thế hoàn toàn việc ăn đầy đủ, đa dạng thực phẩm. Quan trọng hơn, sữa chứa quá nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ.
Vì sao vậy? Sữa có hàm lượng chất béo bão hòa cao, không tốt cho hệ thống tim mạch. Sữa chứa đường lactose và cơ thể phân giải được nhờ enzyme lactase trong ruột. Enzyme này gần như sẽ biến mất khi chúng ta lớn lên. Nên một số người uống sữa hay bị đau bụng vì không tiêu hóa được lactose là vậy.
Trong thành phần đường lactose có galactose, một loại đường đơn được chứng minh nhiều nguy hại cho buồng trứng của bé gái và tuyến tiền liệt của bé trai. Galactose còn giảm khả năng thụ thai của phụ nữ ở tuổi trưởng thành.
Trong sữa còn có thành phần “estrogen”, một loại hoc-mon sinh dục tương tự như ở người. Quá nhiều estrogen là không cần thiết cho cân bằng sinh lý cơ thể, tổn hại đến quá trình thụ thai, kéo dài thời kỳ mãn kinh, tăng nguy cơ ung thư vú ở bé gái.
Trong sữa bò công nghiệp còn tìm thấy các hoc-mon IGF-1, yếu tố kích thích tăng trưởng cực kỳ có hại, thúc đẩy các tế bào ung thư tăng sinh. Tóm lại, hàm lượng quá cao các chất có trong sữa là một mối nguy lớn nếu cứ dùng liên tục, triền miên theo năm tháng.
Con nhỏ cần được tiếp cận làm quen các thực phẩm dần dần trong hành trình lớn lên. Mà con trẻ dễ theo các thói quen ăn uống dễ dàng. Việc cha mẹ cho con ba ly sữa mỗi ngày có vẻ dễ dàng hơn là nghiên cứu chăm sóc con theo các chỉ số khoa học.
Đừng hiểu sai ý tôi, một đứa trẻ cần có sữa thay thế nếu chẳng may nó quá khó ăn trong giai đoạn nào đó. Nhưng cha mẹ cần có hành xử hợp lý hơn, để con em mình không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sữa.
Canxi sẽ được tìm thấy trong rất nhiều rau, củ quả chứ không chỉ có trong sữa. Nhớ hồi nhỏ xem phim thủy thủ Pop-pey, thấy mỗi lần anh ăn rau bina là trở nên to khỏe. Đó không phải là sự ngẫu nhiên. Rau bina mà anh ăn thực chất là cải bó xôi.
Tất cả giống cải khác nhau sẽ chứa một lượng dồi dào canxi đủ cho nhu cầu của cơ thể: cải thìa, cải ngọt, cải cay, cải bó xôi, cải bẹ xanh, cải thảo. Đó là chưa kể nhiều loại rau, củ quả khác như diếp cá, cần tây, giá đỗ, súp lơ, đậu nành, đậu cô ve, đậu đen, đậu đỏ, các loại hạt có thể làm sữa hạt, hay như gạo lứt, hạt mè, hay thậm chí quả cam, dưa hấu cũng dồi dào canxi.
Còn nhớ một đoạn mùa đông, xám trời mây bay, vài sợi nắng rọi xuống vườn rau sau trận mưa cuối mùa. Ngoại lại lọ mọ ra vườn, lui hui sửa luống đất mới vun hôm trước, chuẩn bị gieo giống. Hạt rồi đây sẽ nảy mầm, vườn lại ngát màu xanh. Những ngày cuối năm, từ đám rau xanh mơn mởn, chồi non sẽ vươn lên sắc vàng của năm mới. Đó là đoạn khắc kỳ diệu của đất trời. Ngoại giờ đã về với mây, nhưng vườn cải tuổi thơ thì vẫn đâu đó những cánh bướm lượn bay.