Trong cuộc trở mình của phố
Tiến trình nâng cao tỷ lệ đô thị hóa khiến hơi thở của phố đã, đang và sẽ “gõ cửa” nhiều miền quê trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển cả nhanh lẫn bền vững chưa bao giờ là điều dễ dàng…
Mỗi phố, mỗi cảnh
Quảng Nam đang có mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 40%. Tam Kỳ và Hội An với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75% dĩ nhiên là “cánh chim đầu đàn” trong tiến trình đô thị hóa của Quảng Nam thời gian qua. Nhưng hai thành phố có những suy tư cho chặng đường tiếp theo.
Với Tam Kỳ, nếu hiện thực hóa được giấc mơ về thành phố mới với địa giới hành chính “phình ra” gấp nhiều lần so với hiện tại (bao gồm cả huyện Phú Ninh và Núi Thành sẽ lên đến khoảng 905km2), ngay lập tức tỷ lệ đô thị hóa của đô thị tỉnh lỵ sẽ tụt rất sâu. Rất nhiều ý kiến vẫn ngờ vực về năng lực và nguồn lực để có thể “thay áo mới” cho những miệt làng chung quanh Tam Kỳ trở mình thành phố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, về việc hình thành TP.Tam Kỳ mở rộng hướng đến đô thị loại I cần phải xác định vừa tập trung đầu tư để nâng chất, nâng tiêu chí lên chứ không chỉ nhập về cơ học, nhập về dân số. Việc nhanh hay chậm tiếp cận, đạt các tiêu chí phụ thuộc nguồn lực tập trung đầu tư vào nhiều hay ít.
Còn Hội An thì ngược lại, tỷ lệ đô thị hóa của Hội An khó đột phá thêm bởi nhìn đâu cũng đã thấy bóng dáng phố. Trong khi nhiều đô thị khác chật vật tìm hướng nâng cao tỷ lệ đô thị hóa thì Hội An phải dè dặt trong nhiều hoạch định để giữ lại số ít không gian làng quý báu còn sót lại.
Với vỏn vẹn hơn 60km2 đã bao gồm cả xã đảo Tân Hiệp, nếu đô thị hóa không kiểm soát, nguy cơ Hội An thành “phố trong phố” chẳng mấy chốc sẽ hiển hiện chứ không còn là “phố trong làng” như chấm phá về tương lai lâu nay của di sản này.
“Làn gió mới” được nhắc đến rất nhiều trong tiến trình đô thị hóa của Quảng Nam thời gian qua là Điện Bàn. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của thị xã đạt hơn 40%.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, thời gian qua đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc gặp nhiều vấn đề, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận nhờ vào chủ trương đô thị mới mà tỷ lệ đô thị hóa của địa phương mới được kéo lên và thúc đẩy sự phát triển đô thị chung của thị xã.
Theo quy hoạch của Điện Bàn, dự kiến đến giai đoạn 2030, tỷ lệ đô thị hóa của địa phương này sẽ lên đến 75 - 80%. Đã có những gợi mở về việc hình thành một thành phố ngay tại vùng đất này. Có lẽ đó là xu thế bắt buộc để bắt kịp nhịp chuyển động chung của Quảng Nam với mục tiêu rất lớn trong tương lai.
Cần “lượng” song hành với “chất”
Theo Sở Xây dựng, thời gian gần đây, phát triển đô thị đang gặp các trở ngại như suy giảm chất lượng môi trường sống, các sự cố môi trường, thiên tai… Liên kết hạ tầng kỹ thuật giữa đô thị và nông thôn của từng địa phương vẫn còn trong giai đoạn hình thành theo quy hoạch vùng huyện. Do đó, thực tế còn phân bố chưa tối ưu, chưa đáp ứng khả năng cung ứng hạ tầng từ khu vực đô thị đến các khu vực dân cư nông thôn của từng địa phương.
Khi tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam (khoảng 26,3%) hiện thấp hơn mức bình quân của cả nước (hơn 40%) rất nhiều, toan tính vội vã có thể càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Trong không gian phố làng chưa định hình, lại âm ỉ thực trạng nhiều “mảng xanh” tự nhiên từ đồng ruộng, ao hồ… bị nhăm nhe cắt xén, chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ phát triển đô thị.
Vừa qua, nhiều quy hoạch vùng huyện ở Quảng Nam bị chậm trong tiến độ phê duyệt, trong số đó có quy hoạch đã tạm “gác lại” vì cơ quan thẩm định nhận thấy đồ án dự kiến sẽ tác động mạnh vào hệ sinh thái tự nhiên ở khu vực hạ du vốn dễ tổn thương bởi thiên tai.
Ở phía bắc, một vệt đô thị liên hoàn trong nội tỉnh sẽ sớm hình thành một khi đề án thành lập 5 phường dọc quốc lộ 1 của thị xã Điện Bàn được phê duyệt. Ở đó, hơi thở của phố sẽ dần “xâm lấn” vào hệ giá trị của làng, vốn không chỉ bao hàm những mảng xanh hiện hữu.
Những định danh vốn bồi lắng cho tiếng tăm trăm năm quê xứ như Thanh Quýt (Điện Thắng), Thanh Chiêm (Điện Phương)… cũng sẽ thao thức trong cuộc xáo động của phố. Xác lập vị thế của phố, đâu hẳn chỉ là những điều mới mẻ phố tạo dựng được, mà đôi khi chỉ cần bảo lưu chân giá trị đã tồn tại, lắng đọng ở đó theo dòng thời gian…