Vị Huế ở Tam Kỳ

THANH THẢO 13/11/2022 06:46

Biết tôi hằng thương nhớ Huế, bạn đồng nghiệp dạy chung trường nói hôm nào em phải mời qua nhà để đãi chị bữa cơm hến, nhứt định chị sẽ gặp được rau ấy, mùi ruốc ấy, màu vàng ruộm của sợi giòn sấy khô và nhất là tóp mỡ của mạ em tự tay làm gửi vào.

Cơm hến.
Cơm hến.

Bất chấp giọng của cô em gốc Huế nghe cứ như giọng thơ êm giữa một ngày trời Tam Kỳ dường đã chớm đông, tôi nhịn không nổi bữa cơm thương nhớ ấy bèn tới luôn quán quen chị Hà trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Chị Hà cũng người Huế, làm dâu xứ Quảng mấy chục năm nay, mở một tiệm ăn nhỏ bán toàn các món quê hương chị. Đó là một tiệm ăn tương đối tuềnh toàng được thuê tạm, di chuyển mấy lần thì tới gần gốc đa gần ngã tư. Chị Hà làm dâu Quảng mà anh chồng lại lai Huế, nói lơ lớ kể chuyện anh chị làm chả cua hôm nay ngon, kể chuyện hồi mới bán cơm hến ai vô ăn cũng kêu chi lạ.

Tôi cũng không thích món cơm hến chi lạ nhưng bún hến thì trở thành một thức chực chờ thèm mỗi khi nhắc tới Huế. Bún hến ăn gánh đầu hẻm nhỏ Trần Phú khi tôi còn trọ học, bún hến ở góc đường Lý Thường Kiệt, hay bún hến gần nhà người thương ở bến Chi Lăng… Giờ đây, ở phố nhỏ Tam Kỳ, tôi cũng có thể được gọi tên thức ấy, rồi hớn hở đợi chờ, và có thể chút ít niềm thất vọng vì mùi, vì màu, vì những kỷ niệm không thể gọi tên.

bánh bèo gợi nhớ hương vị ẩm thực Huế.
bánh bèo gợi nhớ hương vị ẩm thực Huế.

Món Huế ở Tam Kỳ, dù là bánh nậm, bánh bèo có mỏng đến bao nhiêu thì cũng phải “dày một chút” cho hợp với thói quen người Quảng, nước chấm bánh bột lọc phải bớt cay một chút, tất cả đều gia giảm cho tùy tục với thói quen ăn uống của người bản địa. Thêm hay bớt, đậm hay nhạt, dày hay mỏng, có lẽ, với người Quảng vốn không đặt nặng sự cầu kỳ, nên có thể dễ dàng dung hòa trong lựa chọn.

Chỉ riêng Tam Kỳ, gần như đường phố nào cũng có quán bún bò Huế, mặc dù gần như không có quán nào có vị, có mùi có màu tương tợ như bún bò “chính hiệu” ăn tại xứ thần kinh. Rất có thể, hoặc người bán không đủ tài hoa đem theo hết hương vị Huế vào trong món ăn của mình, hoặc không muốn, hoặc lòng muốn nhưng vì nguồn nước, vì thức rau ăn kèm không hoàn toàn giữ được phiên bản gốc mà đơn thuần chỉ một gánh bún vỉa hè xứ Huế cũng đủ làm xuýt xoa thực khách.

Trong những cơn thèm Huế bất chợt, tôi vẫn ưu tiên lựa chọn quán chị Hà vì ở đó, tôi luôn luôn được chào đón bởi những tâm tình rất quen tựa như chính mình được gặp lại quãng thanh xuân tôi sống dài ở Huế. Tôi nhận ra trong giọng nói của chị niềm say mê khi hôm nay anh chị làm được một mẻ bánh ngon, tôi nghe được trong âm thanh rất Huế của chị cái tình âu yếm của những con người vừa dùng những thức vị để làm kế mưu sinh, vừa tảo tần hôm sớm để mang hồn cốt bổn quán đến nơi ở mới. Tôi nhìn trong ánh mắt lấp lánh vui của anh tình yêu âm thầm dành cho chị, và thường như thế, dĩa bánh bèo tôi ăn sẽ được rộng lượng chấp nhận ngon trong một mường tượng thú vị tái sinh Huế trong chính không gian rất quê hương mình.

Món ăn ở một xứ sở nào, khi chuyển dịch tới vùng đất khác, nhất định không thể là sự chuyển dịch nguyên xi vì đó là bất khả. Những màu, những mùi, những vị từ bất kỳ nơi nào khi trình diễn ở một vùng đất mới cũng chỉ có thể mang tính ước lệ.

Nỗi lòng thương mến đó, người mang theo, người ngóng tìm, như tôi hôm nay giữa vùng trời xứ Quảng dường như đã được thi ca an ủi trong bày tỏ “Tôi mang Hồ Gươm đi” nổi tiếng của Trần Mạnh Hảo: “Tôi muốn mang hồ đi trú đông/Mà không khiêng vác được sông Hồng/Mà không gói nổi heo may rét/Đành để hồ cho gió bấc trông!”.

THANH THẢO