Thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ sớm
Tháo gỡ vướng mắc, tận dụng những dư địa đảm bảo tăng trưởng bền vững ngành công nghiệp Quảng Nam những năm đến… là kiến nghị của lãnh đạo Sở Công Thương tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh sáng qua, 10/11.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, bên cạnh thu hút các dự án đầu tư mới, tỉnh cần giải quyết rốt ráo những tồn tại cũ.
Cụ thể, với các dự án đã được cấp phép nhiều năm nhưng không hoạt động cần kiên quyết xử lý, thu hồi, gắn với đó là quy trách nhiệm với từng cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm không chỉ hạn chế lãng phí tài nguyên quốc gia mà còn tạo dư địa và cơ hội thu hút doanh nghiệp khác vào đầu tư.
Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá lại tất cả doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) nhưng đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng, hoạt động không hết công suất hoặc đối diện nguy cơ đóng cửa do quá trình cấp phép trước đây không lường đến yếu tố nguồn nguyên liệu.
“Lâu nay mình nhấn mạnh vấn đề thu hút đầu tư dự án mới nhưng chưa thật sự quan tâm đúng mức việc xử lý những tồn tại cũ, nên bây giờ phải xử lý đồng bộ mới có thể giữ được tốc độ tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo” - ông Dự chia sẻ.
Qua 10 tháng của năm 2022, chỉ số phát triển toàn ngành công nghiệp tỉnh tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 31,3%; ngành khai khoáng tăng 16,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất cộng dồn 10 tháng cao so với cùng kỳ như khai khoáng (tăng 31%); sản xuất đồ uống (tăng 35,7%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 210%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 52,4%); sản xuất xe có động cơ (tăng 55%).
Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp sản xuất giảm sâu như sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 23,6%); dệt may (giảm 24,3%); sản xuất trang phục (giảm 17,5%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (giảm 36%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (giảm 31,4%)…
Ông Đặng Bá Dự cho rằng, đóng góp của ngành công nghiệp vào phát triển kinh tế Quảng Nam rất lớn, nên HĐND tỉnh cần có những nghị quyết, giám sát giúp tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững. Đơn cử, trong việc quản lý, đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp vào các CCN vẫn chưa như mong đợi.
Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 93 CCN (tổng diện tích hơn 2.764ha), hiện UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 59 CCN (diện tích hơn 1.678ha), tuy nhiên mới chỉ có 51 CCN đi vào hoạt động, thu hút 370 dự án đăng ký đầu tư (tổng diện tích cho thuê đất hơn 722ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 15.872 tỷ đồng).
Theo ông Đặng Bá Dự, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư vào CCN chính là cơ chế, cụ thể hạ tầng chưa hoàn thiện bởi việc đầu tư hạ tầng CCN trước đây hầu hết do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần (20 – 30%), trong khi nhu cầu nguồn vốn giải phóng mặt bằng, đầu hạ tầng lớn hơn nhiều nên ngân sách huyện không thể đảm nhận, dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng chưa hoàn chỉnh.
Chưa kể, những vướng mắc về chủ thể quản lý do trước đây hầu hết CCN do Nhà nước quản lý về hạ tầng, đầu tư và vận hành nhưng những tổ chức thực hiện chức năng này hiện không còn (các trung tâm phát triển CCN trước đây đã giải thể sáp nhập), vì vậy việc chuyển đổi mô hình quản lý từ nhà nước sang doanh nghiệp rất khó nên phải tháo gỡ.
“Rất nhiều vấn đề như cơ cấu ngành công nghiệp, dư địa phát triển, thu hút đầu tư vào các khu, CCN, cơ chế, chính sách… cần phải được phân tích, tháo gỡ để thúc đẩy ngành công nghiệp Quảng Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới” - ông Dự kiến nghị.