Dự thảo chính sách mới về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyên môn sâu

HÀN GIANG 11/11/2022 09:33

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 20 ngày 20/12/2021 của Tỉnh ủy (khóa XXII), dự kiến tại Kỳ họp thứ 12 sắp tới, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Quang cảnh cuộc làm việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Đề án quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: N.ĐOAN
Quang cảnh cuộc làm việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Đề án quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: N.ĐOAN

Sáng 10/11, dưới dự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, dự thảo Đề án quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 do Sở Nội vụ soạn thảo đã được đưa ra lấy ý kiến góp ý của các sở ngành để hoàn thiện. Nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc mức hỗ trợ và ưu tiên hỗ trợ đào tạo chuyên môn sâu.

Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Thực tiễn công tác cán bộ của tỉnh thời gian qua cho thấy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cụ thể hóa nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh triển khai các giải pháp khá đồng bộ, cân đối, bố trí nguồn kinh phí phù hợp hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đối với CBCCVC, thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, tiến sĩ về công tác tại Quảng Nam.

Qua đó, góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, năng lực công tác trong đội ngũ CBCCVC. Đồng thời, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, làm chuyển biến tích cực nền công vụ.

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, trình độ, chất lượng đội ngũ CBCCVC được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn. Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, ngoài những đối tượng quy hoạch cấp trưởng, phó phòng trở lên hoặc đang giữ các chức vụ đó, cần nghiên cứu thêm đối với cán bộ cơ sở có trong quy hoạch; các đối tượng cần có chuyên môn sâu trong một số ngành, lĩnh vực. Khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, UBND tỉnh sẽ ban hành các danh mục cụ thể, các trường nước ngoài đóng tại Việt Nam cũng sẽ được xem xét hỗ trợ đào tạo, nhưng tất cả đối tượng được hỗ trợ không quá mức trần theo quy định hiện hành, đồng thời quy định chế tài cụ thể.

Dự thảo Đề án quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động CBCCVC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 đặt mục tiêu tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả công tác, đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ CBCCVC của tỉnh có chất lượng và cơ cấu hợp lý, đủ khả năng lãnh đạo để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Theo đó, dự thảo đề án đề xuất mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước đối với CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan trong hệ thống chính trị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; hỗ trợ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đi học cao cấp, trung cấp lý luận chính trị; hỗ trợ công chức viên chức làm việc trong lĩnh vực y tế đi học bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II. Trong đó, đối tượng áp dụng và mức đề xuất hỗ trợ đi học sau đại học trong nước theo dự thảo đề án đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của lãnh đạo các sở ngành.

Ngoài các chế độ, chính sách được hưởng theo quy định khi tham gia đào tạo sau đại học ở trong nước, Sở Nội vụ đề xuất mức hỗ trợ 70% tiền học phí (nếu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% tiền học phí cho đối tượng học tiến sĩ và tương đương.

Còn mức hỗ trợ đào tạo thạc sĩ chỉ áp dụng cho người dân tộc thiểu số và công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế đi học bác sĩ chuyên khoa I). Sở Nội vụ tính toán, nếu dự thảo đề án được HĐND tỉnh thông qua, mỗi năm ngân sách tỉnh chi gần 8,4 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động CBCCVC.

Ưu tiên hỗ trợ đào tạo chuyên môn sâu

Chia sẻ những băn khoăn khi góp ý vào dự thảo đề án, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, cơ quan soạn thảo cần hết sức thận trọng, tính toán kỹ mức hỗ trợ học phí đào tạo sau đại học và cần quy định cụ thể mức hỗ trợ tối đa là bao nhiêu. Bởi lẽ, nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài đang đóng ở Việt Nam, nếu đối tượng chọn học thì ngân sách tỉnh sẽ phải hỗ trợ học phí rất cao.

Cũng theo ông Hồng, nên mở rộng đối tượng chứ không chỉ khuôn khổ những trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay, hoặc được quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý sau này. Vì trong thực tế đang rất cần những ngành có chuyên môn sâu, như giảng viên của một trường đại học, bác sĩ giỏi của một bệnh viện, hay chuyên gia đầu ngành của một ngành, một sở.

“Vì điều kiện gì đó họ không thể phát triển đảm nhiệm chức vụ trưởng phó phòng, nhưng chúng ta đang rất cần những chuyên gia, người có chuyên môn sâu để tham mưu. Cần phải phân ngành đào tạo, tập trung vào những ngành đang cần để thực hiện hỗ trợ học phí, chứ không phải đăng ký học ngành gì cũng được hỗ trợ” - ông Hồng phát biểu.

Nhắc lại “hiện tượng” cán bộ, công chức sinh sau năm 1975 có bằng đại học không chính quy đổ xô đi học thạc sĩ trước đây, ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT nói, cơ chế hỗ trợ đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng cán bộ; ưu tiên đào tạo ngành cần cán bộ có chuyên môn sâu.

Cần nhấn mạnh yếu tố này để tránh trường hợp cơ chế ban hành lại xuất hiện trào lưu cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ, trong khi người làm việc vốn đã ít do tinh giản biên chế. Đồng thời, quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cử người đi học và có chế tài trong trường hợp đối tượng không hoàn thành việc học tập, bảo vệ không được luận án thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc cống hiến không đủ thời gian cam kết với tỉnh trước khi đi học.

Tiếp thu các ý kiến thảo luận để bổ sung hoàn thiện dự thảo đề án, theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, sau khi được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các quy định về danh mục ngành nghề đào tạo, điều kiện được hưởng, cam kết làm việc bao nhiêu năm với tỉnh của đối tượng đi học, hay việc chế tài khi vi phạm...

Về quy định mức hỗ trợ, dự thảo đề xuất mức hỗ trợ học phí cho đối tượng học sau đại học là 70%, căn cứ phiếu thu học phí của cơ sở đào tạo, ràng buộc thêm nội dung là không vượt quá mức trần học phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

HÀN GIANG