Nghề biển loay hoay tìm lao động

VĂN TÂY - THẢO NGUYÊN 08/11/2022 16:17

(QNO) - Đang mùa nghỉ đông, nhưng các chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ phải lặn lội khắp nơi tìm lao động để "đặt cọc" nhằm mong giữ chân bạn câu trong mùa biển năm sau. Chưa bao giờ nghề vươn khơi lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng An Hòa, xã Tam Giang để nghỉ đông. Ảnh: TN
Tàu thuyền neo đậu tại cảng An Hòa, xã Tam Giang để nghỉ đông. Ảnh: TN
Người trẻ ngại vươn khơi

“Rồi ai sẽ nối nghiệp, khi nghề biển đối mặt với quá nhiều rủi ro?” Đó là trăn trở chung của nhiều ngư dân tại cảng cá Tam Giang (Núi Thành) khi họ trò chuyện với chúng tôi.

Tâm lý không muốn con cái “nối nghiệp" biển từ nhiều năm trước đã để lại khoảng trống lớn về nguồn lao động. Là địa phương có kinh tế biển lớn nhất tỉnh, nhưng Núi Thành rơi vào cuộc “khủng hoảng thiếu” lao động kéo dài, vì số thanh niên khỏe mạnh giờ phần lớn tìm được việc ở các nhà máy công nghiệp, lao động tự do, thậm chí không muốn lênh đênh trên biển.

Ông Trần Công Thái (41 tuổi, xã Tam Giang) là chủ tàu số hiệu QNa-91207 đang neo đậu tại cảng An Hòa cho hay, hiện việc gọi bạn đi biển rất khó, bởi đa số nguồn lao động trẻ đều lựa chọn đi làm việc trong các công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp.

“Mấy mùa biển gần đây, tôi phải ra Tam Kỳ, Thăng Bình tìm bạn kéo dài suốt 2-3 tháng liền mới đủ số lượng vươn khơi. Đang kỳ nghỉ đông, nên tôi bắt đầu tìm kiếm người để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đầu năm sau. Người trẻ bây giờ rụt rè bám biển mà thường chọn những công việc an nhàn hơn để mưu sinh” – ông Thái bộc bạch.

Mỗi tàu đánh bắt xa bờ thường có khoảng 45 lao động nhưng chỉ có khoảng 5 người trong độ tuổi từ 18-25, còn lại phần lớn ở độ tuổi từ 40-60. Ông Thái nói thêm: “Nguyên nhân khiến nhiều người trẻ không theo nghề biển là vì thu nhập bấp bênh, luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro cao”.

Nghề biển với đặc thù lênh đênh sông nước, người đi biển như gắn mình với sóng gió ngoài khơi, chẳng có điểm tựa nào, ngoài việc cầu may mưa thuận gió hòa.

Ông Nguyễn Hữu Khôi (64 tuổi, xã Tam Hải, Núi Thành) đã dừng đi biển hơn 2 năm nay. Ông cho biết, trước kia ông hành nghề câu mực khơi, một chuyến đi kéo dài gần 3 tháng. Bám biển 20 năm rồi sức khỏe của ông không còn đảm bảo để vươn khơi nữa.

“Giờ tuổi đã cao, tôi quyết định ở nhà cùng vợ buôn bán nhỏ, nghề biển bấp bênh và nguy hiểm quá. Hiện nay cũng có rất nhiều người bạn của tôi, thậm chí là lớn hơn, vẫn đang lựa chọn bám biển vì chủ tàu không tìm được người mới. Họ quyết định tiếp tục vì cái tình, cái nghĩa” – ông Khôi tâm sự.

Quảng Nam có 2.753 tàu cá và 13.575 lao động, nhưng giờ đây ngành đánh bắt hải sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực, đã khiến không ít ngư dân dù đã ngoài 60 tuổi vẫn phải bám trụ với nghề để mưu sinh và gìn giữ nghề của cha ông.

Ngược xuôi tìm "bạn biển"

Thiếu bạn biển là nỗi lo chung của nhiều chủ tàu. Ảnh: TN
Thiếu bạn biển là nỗi lo chung của nhiều chủ tàu. Ảnh: TN
Ông Trần Ngọc Vĩnh (xã Tam Tiến, Núi Thành) là chủ tàu QNa-90787TS đang hành nghề lưới rê cho biết, mỗi chuyến đi biển của ông từ 10-20 ngày cần đến 11-12 lao động. Mỗi khi chuẩn bị chuyến biển mới, ông phải chạy ngược xuôi từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng để tìm bạn và phải ứng trước mỗi người 8-10 triệu đồng để họ đi biển cho mình.

“Sau tết Nguyên Đán là khoảng thời điểm rất khó có bạn đi biển, thậm chí tôi phải chấp nhận những người chưa từng làm nghề biển để có đủ thuyền viên. Giờ tìm người ở địa phương khó lắm, hầu hết bạn đi biển cho tôi đều ở địa phương khác. Có chuyến chỉ đi với 8 người vì thế công việc sẽ vất vả hơn, sản lượng đánh bắt cũng ít đạt” – ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh kể, đời ngư dân sướng khổ gì cũng có, mỗi giai đoạn đều có khó khăn khác nhau. Ngày trước theo cha đi đánh bắt, thời tiết không khắc nghiệt như bây giờ, nhưng rất thiếu thốn về trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ ngư dân đánh bắt, đưa tin. Tuy nhiên, đến giờ khi phương tiện máy móc hiện đại, thì nguồn lao động đi biển lại trở nên thiếu hụt và rất khó có người duy trì.

“Tôi có chút vốn liếng kinh nghiệm đi biển do gắn bó với nghề khơi từ nhỏ. Khi đã quen với công việc, bây giờ bảo tôi chuyển sang nghề khác cũng khó. Bản thân chỉ mong nghề biển mỗi ngày, mỗi giai đoạn sẽ có thêm những phát minh mới, trang thiết bị hiện đại để ngư dân vươn khơi bám biển an toàn, yên tâm lao động” 

(Ngư dân Trần Ngọc Vĩnh, xã Tam Tiến (Núi Thành)

Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang thông tin, địa phương có tổng cộng 50 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó 1 chiếc không còn hoạt động do tai nạn trên biển. Xã đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá là cơ sở để đào tạo, hướng dẫn, phổ biển cho ngư dân về các phương pháp đánh bắt mới, máy móc hiện đại cũng như trang bị, kiến thức về luật biển, quyền lợi của ngư dân.

“Núi Thành hình thành nhiều khu công nghiệp nên người dân địa phương đang có xu hướng làm việc tại đây, chỉ số ít người dân gạo cội thủy chung với biển. Tuy nhiên, nguồn lực lao động được thay thế từ các địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Điều này cũng giúp cho các tàu thuyền đảm bảo số lượng để vươn khơi” – ông Vinh cho biết.

VĂN TÂY - THẢO NGUYÊN