Lỏng lẻo liên kết phát triển vùng
Từ 2017 đến 2019, ba huyện vùng Tây Bắc Quảng Nam là Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang đã tổ chức được 3 kỳ hội nghị thường niên để bàn về liên kết vùng, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Qua các hội nghị này, 3 huyện thống nhất giao cho mỗi địa phương xây dựng 1 đề án: Tây Giang - phát triển dược liệu; Nam Giang - trồng rừng gỗ lớn; Đông Giang - phát triển du lịch (gắn với Khu du lịch Cổng Trời) và cùng phối hợp nhau liên kết để phát triển.
Thế nhưng, đến nay, câu chuyện liên kết này vẫn mù mịt. Ngoài lý do khách quan như dịch bệnh, thiên tai thì nguyên nhân chính vẫn là chuyện “đèn nhà ai nấy sáng”.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết ách tắc ở chỗ là định hướng phát triển của mỗi địa phương khác nhau, rồi công tác chỉ đạo thực hiện cũng rất khác.
Còn ông Briu Liếc - nguyên Bí thư huyện ủy Tây Giang thì cho rằng, có giấy tờ ký cam kết thực hiện hẳn hoi, nhưng có ai làm đâu, chính quyền không năng động và có trách nhiệm thúc đẩy nên phải bỏ thôi.
Thật ra, không dễ để liên kết, khi thiếu một nhạc trưởng cầm chịch. Chuyện du lịch là rõ nhất, nói hơn 15 năm rồi về liên kết tại “Con đường di sản miền Trung”, biết bao hội thảo, nhưng rồi vẫn vậy, gần đây mới khởi sắc. Liên kết là kết nối và nó chỉ có thể thành hiện thực khi đem lại lợi ích cho đối tượng tham gia.
Ông Briu Liếc cho rằng, Nhà nước không làm được và không nên làm, chỉ nên có định hướng, dẫn dắt, còn lại là để tư nhân làm. Chính các doanh nghiệp chứ không ai khác, khi ngồi lại với nhau, họ sẽ tìm thấy thỏa thuận lợi ích và khả năng liên kết làm ăn, thì may ra mọi thứ mới ổn.
Sản phẩm chứ không có gì khác, chính là ngòi nổ cho liên kết. Nếu mỗi nơi có một sản phẩm tốt mà nằm trong vùng giao thoa, sắc màu giống nhau, thì chắc chắn sẽ liên kết được.
Sợi chỉ xuyên suốt của chuyện này là du lịch sinh thái. Du khách có nhu cầu thăm rừng, sẽ đi từ rừng lớn qua vùng dược liệu rồi sau đó về khu du lịch sinh thái, hoặc tùy họ chọn, và chính người tổ chức sẽ làm công tác giới thiệu để họ chọn lựa.
Nhưng như đã nói, chỉ có thể vạch ra một cung đường phát triển du lịch văn hóa và kinh tế bền vững, nếu không sẽ gieo hy vọng rồi gặt thất vọng. Thực tế cho thấy, đến nay 3 huyện trên, 3 trụ cột đã từng ký kết, mọi thứ vẫn ở trạng thái vừa hoặc đang khởi động. Phước Sơn định hướng sẽ làm rừng gỗ lớn. Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang thì mới đưa vô hoạt động. Vùng dược liệu ở Tây Giang thì vẫn chưa hình thành bài bản.
Thời gian dài hay ngắn, mọi cam kết sẽ có chẳng giá trị gì, khi không được thực hiện. Ở đây, rõ ràng các địa phương không phải không thấy được lợi ích khi ngồi lại bàn chuyện làm ăn với nhau, nhưng họ đã thiếu sự chuẩn bị nội tại, chưa tìm thấy điểm chung trong sự khác biệt.